Khoảng vài nghìn người, trong đó có người Kurd, sáng sớm 25/3 tham gia biểu tình tại thủ đô Bern, Thụy Sĩ, kêu gọi bỏ phiếu "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4. Sửa đổi hiến pháp sẽ gia tăng quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày triệu tham tán đại sứ quán Thụy Sĩ tại nước này để phản đối, kỳ vọng Thụy Sĩ sẽ điều tra hình sự đối với cuộc biểu tình.
"Các biện pháp mà chính quyền liên bang và địa phương Thụy Sĩ sắp thực hiện sẽ được Bộ Ngoại giao theo dõi chặt chẽ. Nỗ lực của chúng tôi trong vấn đề này sẽ tiếp tục", Reuters dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã điện đàm với người đồng cấp Thụy Sĩ để bày tỏ sự tức giận của Ankara.
Biểu tình phản đối tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Sĩ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ xác nhận thông tin quan chức ngoại giao của nước này bị triệu tập và cho biết vụ việc sẽ được điều tra. Cảnh sát Bern và các nhà tổ chức biểu tình nói sự kiện diễn ra một cách hòa bình và có một tấm áp phích kêu gọi ám sát ông Erdogan.
Tổng thống Erdogan lên án Thụy Sĩ về cuộc biểu tình, nói trong đám đông có những kẻ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Cuộc trưng cầu dân ý đã ảnh hưởng đến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, Hà Lan, vì họ cấm các bộ trưởng của Ankara vận động bỏ phiếu "Có" trên lãnh thổ của mình.
Như Tâm