Theo AP, Gorka hôm 25/8 cho biết ông đã từ chức. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết ông không từ chức mà "không còn làm tại Nhà Trắng". Ngôn từ này cho thấy có thể ông bị sa thải.
Gorka, một cố vấn an ninh quốc gia có lập trường cứng rắn về khủng bố và nhập cư, đã gây gây bất hoà trong và ngoài Nhà Trắng.
Từng là cựu biên tập viên của trang tin bảo thủ Breitbart News, Gorka gia nhập chnsh quyền với tư cách cố vấn chống khủng bố. Nhưng ông hoạt động bên ngoài Hội đồng An ninh Quốc gia và các trách nhiệm chính xác của ông không được vạch rõ. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Trump trên các bản tin truyền hình.
Gorka từ chối nói về lý do rời Nhà Trắng nhưng viện dẫn đoạn trích từ thư từ chức ông đăng tối 25/8. Trong thư, ông bày tỏ sự bất bình với chỉ đạo của chính quyền ông Trump, cho rằng "trong những sự kiện gần đây, tôi thấy rõ ràng những thế lực không ủng hộ lời hứa 'Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại' hiện đang chiếm ưu thế trong Nhà Trắng".
Ông Gorka cho biết thêm rằng ngoài bản thân ông Trump, "những cá nhân ủng hộ mạnh mẽ nhất, đại diện cho các chính sách sẽ 'Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại' đang trải qua tình trạng đối đầu nội bộ, bị sa thải một cách có hệ thống hay bị phá hoại ngầm trong những tháng qua".
Gordka là một chính trị gia gây tranh cãi trong chính quyền ông Trump. Những người theo đảng Dân chủ cáo buộc ông có quan hệ với các nhóm ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Ông cũng thân thiết với Steve Bannon, chiến lược gia trưởng của ông Trump, người bị sa thải khỏi Nhà Trắng tuần trước và đã trở về giữ lại chức vụ chủ tịch điều hành Breitbart News.
Những quan chức khác rời Nhà Trắng bao gồm thư ký báo chí đầu tiên Sean Spicer, chánh văn phòng đầu tiên Reince Priebus, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Anthony Scaramucci, người chỉ giữ chức giám đốc truyền thông trong 10 ngày.
Trọng Giáp