Trong các cuộc phỏng vấn với Reuters, nhiều người thân mô tả họ đã bị cảnh sát bắt giữ và bạo hành về thể xác, dường như là vì sự chỉ trích công khai của họ đối với giới chức Trung Quốc và Malaysia Airlines trong việc cung cấp các thông tin về cuộc tìm kiếm máy bay.
"Ban đầu, cảnh sát Bắc Kinh còn bảo vệ chúng tôi nhưng thái độ của họ giờ đã hoàn toàn thay đổi", Cheng Liping, 38 tuổi, người có chồng đi trên MH370 nói. "Tôi không thể hiểu được tại sao họ lại làm thế. Tôi vô cùng thất vọng".
Chiếc Boeing 777 chở 239 hành khách và phi hành đoàn mất tích vào ngày 8/3, sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Hai phần ba những người có mặt trên khoang là người Trung Quốc.
Các nhà điều tra tiết lộ rất ít bằng chứng mà họ thu thập được với phỏng đoán rằng chiếc phi cơ đã bị chuyển hướng có chủ đích cách hàng nghìn km từ lộ trình dự kiến, trước khi lao xuống Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên không ai biết chắc chắn điều đó và nguyên nhân của nó. Một cuộc tìm kiếm quốc tế không ngừng nghỉ đã diễn ra nhưng không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của MH370.
Với những thân nhân, cả nỗi đau đớn lẫn những câu hỏi chưa có lời đáp của họ vẫn chưa hề nguôi ngoai và điều đó dường như khiến giới chức Trung Quốc không hài lòng.
Cảnh sát đã đánh đập ít nhất hai người có con trên chuyến bay, nhiều thành viên gia đình kể. Một phụ nữ tầm 50 tuổi thậm chí còn phải nhập viện ba ngày.
"Tôi từng đến bệnh viện thăm bà ấy. Tôi có thể nhìn thấy những vết thương trên đầu và cơ thể của bà ấy", Zhang Yongli, 64 tuổi, người có con gái mất tích, kể. "Cách cảnh sát hành xử vô cùng cực đoan, đối xử với chúng tôi như thế là sai".
Cảnh sát Bắc Kinh từ chối bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, hãng hàng không Malaysia Airlines cho rằng nhiều thân nhân bị quẫn trí và đôi lúc trở nên quá khích.
Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định sẽ không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay và bày tỏ sự cảm thông với các gia đình.
Một số người tin rằng nhà họ đã bị theo dõi. Cảnh sát đã nhiều lần giam người tại một văn phòng mà chính quyền thành lập ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi các gia đình tìm kiếm các thông tin về hoạt động điều tra vụ việc.
Thời gian giam giữ thường kéo dài khoảng 24 giờ, các gia đình và luật sư của họ cho biết. Cảnh sát đưa ra nhiều lý do cho hành động này, trong đó có luật cấm tụ tập đông người. Trong một số trường hợp, trẻ em còn bị bắt giam với người lớn.
Có ít nhất hai trường hợp bị cảnh sát Bắc Kinh đến tận nhà trước bình minh để bắt giữ không lý do.
"Ở một cấp độ nào đó, tôi có thể hiểu tại sao cảnh sát làm như thế, có thể thường dùng cách này để đối phó với những kẻ xấu. Nhưng chúng tôi không hề tìm cách phản kháng gì chính phủ cả", Liu Wanyi, 26 tuổi, một phụ nữ có chồng mới cưới mất tích trên máy bay nói.
Trong nhiều tuần liền sau khi MH370 biến mất bí ẩn, khi sự quan tâm của giới truyền thông còn lớn, cảnh sát luôn hiện diện thường trực tại khách sạn Lido ở Bắc Kinh, nơi Malaysia Airlines tập trung các gia đình và tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày.
Tại một cuộc biểu tình vào thời điểm đó, hàng chục cảnh sát đã hộ tống các thân nhân, trong đó nhiều người khóc lóc và cầm biểu ngữ, tuần hành đến sứ quán Malaysia. Tuy nhiên, khi những tin tức ít dần và cuộc tìm kiếm kéo dài lê thê, giới chức bắt đầu giảm sự hỗ trợ đối với các gia đình.
Cheng, người có hai con trai còn nhỏ và chính bản thân cô cũng bị giam ở văn phòng trên, cho hay cô không cách nào truy cập được tài khoản ngân hàng Malaysia của chồng. Giới chức cả hai nước đều lãnh đạm với yêu cầu giúp đỡ của Cheng.
"Thật sự tôi không thể chịu nổi điều này", cô nói. "Cuộc sống của tôi đã hoàn toàn đảo lộn, tôi không còn đi làm nữa".
Hầu hết các thân nhân đến văn phòng trên ít nhất một lần một tuần, một số người phải đi lại trong nhiều giờ, với hy vọng có được một chút thông tin nào đó. Giống như Cheng, nhiều người trong số họ đã bỏ việc.
Khi thông tin về cuộc tìm kiếm MH370 trở nên cạn kiệt, nhiều thân nhân bắt đầu tự đưa ra các giả thuyết. Họ tin rằng Mỹ hoặc các thế lực khác đã che giấu thông tin hoặc thậm chí là đứng sau vụ việc.
"Tôi không nghi ngờ gì việc ông Obama biết mọi việc", Liu nhắc đến tổng thống Mỹ. "Dù chúng tôi van xin thế nào, cũng chẳng có bên nào chịu trách nhiệm cung cấp bằng chứng về những gì đã xảy ra. Ai mà biết được động cơ đằng sau đó là gì?".
Anh Ngọc