Ủy ban bầu cử Thái Lan đặt mục tiêu có 80% trong số 50 triệu cử tri hợp pháp tham gia cuộc trưng cầu này, Guardian đưa tin.
Kết quả ban đầu về cuộc bỏ phiếu dự kiến được công bố tối nay. Các cuộc dò cho thấy lượng người ủng hộ hiến pháp mới chiếm số ít, trong khi đa số người dân chưa đưa ra quyết định.
Cuộc trưng cầu này là thử nghiệm đầu tiên về phản ứng của người dân Thái Lan với chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, kể từ khi ông nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi 2014.
Thủ tướng Chan-ocha tuyên bố sẽ không từ chức nếu người Thái bác bỏ hiến pháp, tổng tuyển cử sẽ vẫn diễn ra vào năm sau bất kể kết quả thế nào.
"Chúng ta cần thực hiện tổng tuyển cử vào 2017, vì đó là điều chúng tôi đã cam kết. Không có hiến pháp nào làm hài lòng tất cả mọi người", ông nói.
Giới quan sát cho rằng bản hiến pháp mới có thể giúp các chỉ huy quân đội nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Nhờ đó họ có quyền phủ quyết với những vấn đề mà các nghị sĩ đưa ra.
Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị mất chức hồi năm 2006, đang sống ở nước ngoài, hôm 4/8 cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là "điên rồ". Ông nói việc này sẽ giúp chính quyền quân sự duy trì quyền lực mãi mãi và họ không đủ năng lực điều hành đất nước.
Xem thêm Thái Lan sắp đưa cựu nữ thủ tướng ra tòa
Khánh Lynh