"Các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát hoạt động của tàu Tân Hải 517. Sau khi các lực lượng này tiến hành các biện pháp cần thiết thì tàu Tân Hải đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam từ ngày 8/6", ông Lê Hải Bình cho biết trong cuộc họp báo chiều nay.
Theo báo Tuổi Trẻ, tàu Tân Hải 517 hôm 6/6 di chuyển vào vùng biển cách đảo Phú Quý 20 hải lý về phía tây nam và cách bờ biển Bình Thuận khoảng 40 hải lý và sau đó hướng về phía vịnh Thái Lan.
Tổng công ty Dầu khí Trung Quốc (CNOOC) cho biết tàu này chuyên khảo sát địa chất dưới biển, phục vụ cho công tác thăm dò dầu khí của CNOOC.
Theo Cục Hải dương Trung Quốc, tàu Tân Hải 517 xuất phát từ đảo Hải Nam ngày 2/6 và dự kiến đến vịnh Songkhla của Thái Lan ngày hôm qua.
Đề cập tới phản ứng của Bắc Kinh đối với việc nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) phản đối hoạt động bồi đắp quy mô ở các đá ở Trường Sa, ông Lê Hải Bình cho hay tình hình hiện nay tại Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế và rõ ràng không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Trong cuộc họp thượng đỉnh của các nước G7 ngày 8/6, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ ra các hành động của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, các lãnh đạo G7 nhất trí phản đối mạnh mẽ các hoạt động cải tạo đất quy mô, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Bắc Kinh ngay sau đó cho rằng G7 "phát biểu vô trách nhiệm".
Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ cải tạo các đá ở Trường Sa, xây dựng nhiều căn cứ và các chuyên gia nhận định nước này đang xây dựng các cơ sở quân sự, đe dọa đến an ninh khu vực.
"Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ mọi đóng góp mang tính xây dựng, tích cực và có trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông", ông Bình nói.
Việt Anh