Tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc. Ảnh: AP |
Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng của Hong Kong hôm qua cho hay tàu chiến Shi Lang nặng 67.000 tấn đã đủ điều kiện để hoạt động thực sự sau các lần thử nghiệm hồi năm ngoái. Tàu sân bay này đã giải quyết được các vấn đề kỹ thuật liên quan tới việc cất và hạ cánh của các máy bay trên boong trong 3 lần chạy thử trên biển.
Quyết định chính thức về việc đưa tàu Shi Lang vào hoạt động thực sự vẫn chưa được đưa ra, nhưng nhiều khả năng thời điểm hàng không mẫu hạm này được nhận nhiệm vụ sẽ là ngay trong năm nay.
Năm ngoái, tàu sân bay mà Trung Quốc mua lại từ Ukraina đã trải qua 3 lần thử nghiệm vào tháng 8, tháng 11 và tháng 12. Trong cuộc chạy thử thứ hai kéo dài trong hai tuần, một số máy bay chiến đấu Jian-15 đã cất và hạ cánh thành công trên boong tàu.
Các tạp chí quân sự nước ngoài hồi tháng 11/2011 cho rằng Trung Quốc gặp phải những khó khăn trong việc giải quyết bài toán hạ cánh cho các máy bay chiến đấu. Nguyên nhân của việc này là vì Trung Quốc không có thiết bị hãm cần thiết để các chiến đấu cơ hạ cánh một cách an toàn.
Khi được đề nghị xác nhận, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã khẳng định trong một cuộc họp báo hàng tháng vào ngày 28/12/2011 rằng vấn đề nói trên đã được giải quyết. Ông Dương cho rằng Trung Quốc có được tất cả những thiết bị quan trọng trên tàu Shi Lang, bao gồm cả thiết bị hãm dành cho các máy bay chiến đấu, thông qua việc tiến hành nghiên cứu và phát triển. Một đội kỹ sư người Ukraina cũng tham gia vào việc phát triển thiết bị hãm trên tàu.
Theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, quân đội Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng 3 căn cứ dành cho tàu sân bay, hai trong số này đang thành hình.
Tin tức và hình ảnh về tàu Shi Lang đã rò rỉ từ lâu. Tuy nhiên, Trung Quốc năm ngoái mới chính thức thừa nhận việc làm mới hàng không mẫu hạm cũ mua được từ Ukraina vào năm 1998 (khi đó có tên Varyag). Khi đó, Trung Quốc chỉ mua lại phần vỏ bọc thép mà không kèm động cơ, hệ thống điện và chân vịt.
Bắc Kinh liên tục khẳng định tàu sân bay này không mang lại một mối đe dọa nào đối với các quốc gia láng giếng, đồng thời cho hay Shi Lang được sử dụng chủ yếu cho các mục đích huấn luyện và nghiên cứu.
Tuy nhiên, ngay sau khi Trung Quốc cho tàu Shi Lang chạy thử lần đầu tiên trong tháng 8, các cường quốc khác như Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh giải thích về việc vì sao lại cần phải có một hàng không mẫu hạm.
Trung Quốc hiện có lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới tính theo quân số. Các chương trình quốc phòng ít được hé lộ của nước này được hưởng lợi nhiều từ ngân sách quốc phòng khổng lồ và ngày một mở rộng, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc những năm qua. Trung Quốc đầu năm nay cho hay chi tiêu quân sự của nước này sẽ tăng 12,7 % để đạt mức 601,1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 91,7 tỷ USD) trong năm 2011.
Hà Giang