Đảo Kume, thuộc quần đảo Okinawa, nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: japan-guide |
AFP dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, một máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Tự vệ Hàng hải nước này đã phát hiện tàu ngầm trên gần đảo Kume, thuộc quần đảo Okinawa.
Con tàu hoạt động gần vùng lãnh hải 12 hải lý ngoài khơi đảo Kume từ cuối ngày 12 đến sáng ngày 13/5, khiến giới chức Nhật Bản phải lưu ý, dù tàu không vi phạm luật quốc tế.
Kyodo News dẫn nguồn tin của bộ cho hay, tàu ngầm này có khả năng do hải quân Trung Quốc triển khai.
"Vụ việc này rất đáng lưu tâm", chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong cuộc họp báo định kỳ hôm qua. Ông nhấn mạnh rằng một tàu ngầm nước ngoài cũng được phát hiện hôm 2/5 gần đảo Amami của Nhật Bản ở rìa của biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho hay lực lượng tự vệ sẽ yêu cầu tàu ngầm nổi lên trên mặt nước và hiển thị cờ cho thấy quốc tịch của nó nếu tàu đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản.
Trong một diễn biến khác, tuần duyên Nhật Bản cho hay hôm qua, ba tàu hải giám của Bắc Kinh cũng đi vào vùng biển 12 hải lý ở ngoài khơi quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Các tàu này có mặt ở đây từ khoảng 9h sáng và đến 21h mới rời đi.
Đây là vụ việc mới nhất trong nhiều tháng qua, khi các tàu Trung Quốc liên tiếp xuất hiện gần quần đảo có tầm quan trọng chiến lược và giàu tài nguyên, hiện do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Khi được hỏi về vụ việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Washington không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư.
"Chúng tôi kêu gọi các bên tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng hoặc gây hậu quả khôn lường, làm nguy hại đến hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế ở khu vực quan trọng này của thế giới", bà nói.
Cuộc tranh chấp giữa hai cường quốc bùng nổ hồi tháng 9 năm ngoái, khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa ba trong số 5 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
Các học giả của Trung Quốc mới đây còn có bài viết kêu gọi xem xét lại chủ quyền của Nhật Bản với đảo Okinawa. Họ lập luận rằng Bắc Kinh có thể có chủ quyền đối với chuỗi đảo Ryukyu, vốn bao gồm Okinawa, vì Ryukyu từng là một "nước chư hầu" của Trung Quốc, trước khi Nhật Bản thôn tính quần đảo vào cuối những năm 1800.
Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã ngay lập tức bác bỏ lập luận này.
Anh Ngọc