Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp hôm qua, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định chính thức thành lập Tổ lãnh đạo thúc đẩy cải cách toàn diện do Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình làm tổ trưởng, theo nội dung nghị quyết Hội nghị Trung ương ba khóa 18 hồi tháng 11.
Theo đó, tổ lãnh đạo này có vai trò nghiên cứu xác định các nguyên tắc chính trên tất cả các phương diện cải cách, hoạch định phương châm chính sách, phương án tổng thể và thống nhất điều phối.
Trước đó, nhiều chuyên gia và truyền thông quốc tế đều dự đoán ông Tập Cận Bình sẽ đảm nhiệm chức vụ mới này. Bản kế hoạch 60 nhiệm vụ cải cách sau Hội nghị Trung ương ba được công bố dưới hình thức bài phát biểu chỉ đạo của ông Tập. Đó là một tín hiệu cho thấy vai trò của tổng bí thư trong công tác điều hành kinh tế sẽ lớn hơn thông lệ trước đây.
Trong hai nhiệm kỳ của tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, công việc khởi thảo các văn kiện liên quan đến cải cách kinh tế, xã hội được giao cho thủ tướng Ôn Gia Bảo. Dưới thời tổng bí thư Giang Trạch Dân, công việc này do thủ tướng Chu Dung Cơ đảm nhiệm.
Hội nghị Trung ương ba còn quyết định thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, phụ trách các vấn đề an ninh trong nước và hoạch định chính sách đối ngoại. Nhân sự của cơ quan này hiện vẫn chưa được công bố, nhưng nhiều chuyên gia nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình rất có thể sẽ là người đứng đầu ủy ban.
"Việc thành lập hai cơ quan mới chứng tỏ ông Tập có đủ sức ảnh hưởng để có thể đưa ra phương án giải quyết mang tính hệ thống, tránh tình trạng chịu sự cản trở của nhiều khối cơ quan", ông Christopher Johnson, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, bình luận.
Đức Dương