"Tôi lắng nghe một cách thận trọng tuyên bố của Sergei Lavrov. Về việc này, tôi nhấn mạnh rằng Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga, trên cơ sở là sự quan ngại của lãnh đạo Syria về sinh mạng của người dân nước tôi cũng như an ninh của đất nước", AFP dẫn lời ông Muallem ngày 9/9.
"Chúng tôi cũng hoan nghênh sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo Nga, những người đang cố gắng ngăn chặn một cuộc tấn công của người Mỹ nhằm vào người dân của chúng tôi", ngoại trưởng Syria nói nhưng không cho biết thêm chi tiết. Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Syria, Bashar al-Assad có đồng ý với sáng kiến của Nga hay không.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua kêu gọi chế độ Syria chuyển giao quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế, như một cách để tránh nguy cơ bị Mỹ tấn công. Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có thể giao nộp các vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế, để đổi lại cơ hội tránh được một hành động quân sự.
Phản ứng trước các diễn biến kể trên, Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch chuyển giao vũ khí hóa học có thể là "một chiến thuật đánh lạc hướng", nhưng vẫn đón nhận sáng kiến của Nga. "Nếu Syria giao nộp các vũ khí hóa học, dưới sự giám sát quốc tế, thì rõ ràng đó là một bước tiến lớn và nên được khích lệ", ông Cameron nói với các nhà lập pháp Anh.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thì kêu gọi việc lập nên các khu vực do Liên Hợp Quốc giám sát tại Syria. Đây là nơi mà các vũ khí hóa học của nước này có thể bị phá hủy. Ban cho biết ông có thể đề xuất về các khu vực này lên Hội đồng Bảo an, nếu các thanh sát viên Liên Hợp Quốc xác nhận những vũ khí bị cấm đã được sử dụng. Việc này cũng sẽ giúp Hội đồng thoát được trạng thái "án binh bất động đầy lúng túng" về vấn đề Syria.
"Tôi đang cân nhắc việc thúc giục Hội đồng Bảo an yêu cầu chuyển ngay lập tức các vũ khí hóa học và các kho hóa học tới những địa điểm ở Syria, nơi mà chúng được lưu trữ an toàn và được tiêu hủy", tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói.
Nhà Trắng chưa có phản ứng trước sáng kiến của Nga và kế hoạch của Liên Hợp Quốc, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước đó đã khẳng định một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria sẽ dễ dàng đạt được hơn sau một hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Vụ tấn công hóa học xảy ra hôm 21/8 tại các khu vực ở thủ đô Damascus của Syria, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng. Mỹ cáo buộc chế độ Assad đứng sau vụ việc này, nhưng tổng thống Syria bác bỏ cáo buộc, đồng thời cho rằng chính phe đối lập ở nước này phải chịu trách nhiệm.
Hà Giang