Rappler dẫn lời một người cai ngục cho biết một số kẻ vượt ngục đã bị bắt lại. Ngày 9/11, cũng có hai vụ tù nhân tận dụng lỗ hổng an ninh để đào tẩu. Sau bão, chỉ có 20 trong số 390 sĩ quan cảnh sát của thành phố còn đi làm.
Nhà tù địa phương nằm gần tòa thị chính Tacloban, nơi mới được chính phủ chuyển thành trung tâm kiểm soát và chỉ huy sau siêu bão.
Tacloban, thủ phủ tỉnh đảo Leyte, là thành phố bị bão Haiyan tàn phá nặng nề nhất Philippines. 90% nhà cửa bị phá hủy, trong khi xác người trôi nổi đầy đường tại thành phố duyên hải 220.000 dân ở phía đông quốc đảo. Những cơn sóng lớn như sóng thần đã tàn phá các tòa nhà, làm nhiều người chết đuối.
"Tôi vốn là một người tử tế. Nhưng nếu chưa được ăn trong ba ngày, người ta sẽ làm những điều đáng xấu hổ để sinh tồn", AFP dẫn lời Edward Gualberto nói khi ông đang đào bới đồ hộp trong đống đổ nát, và ruồi nhặng vây quanh các tử thi. "Chúng tôi không có lương thực, chúng tôi cần nước hay những thứ khác để tồn tại", ông nói, với ý xin lỗi vì ăn trộm đồ của người chết.
Nạn cướp bóc, hôi của tại các siêu thị hay cửa hàng tạp hóacũng xảy ra, khi nỗ lực cứu hộ đang bị cản trở do sân bay bị phá hủy hoàn toàn.
Hội đồng thành phố kêu gọi Tổng thống Philippines Benigno Aquino thiết quân luật tại đây để hạn chế tình trạng loạn lạc lan tràn. Ông Aquino cho biết hội đồng trước hết phải ra nghị quyết tuyên bố có sự đe dọa của bạo lực hay hỗn loạn. Sau đó, tổng thống sẽ sẵn sàng hành động theo nghị quyết với điều kiện nó được thị trưởng và đại diện khu vực thông qua. Khoảng 300 cảnh sát và binh sĩ sẽ được triển khai cùng một xe bọc thép để chấm dứt nạn cướp bóc.
Theo GMA Network, thành phố Tacloban hôm nay được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Lệnh giới nghiêm, bắt đầu từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng, được áp dụng đối với người dân để đối phó với nạn hôi của và các hành vi phạm pháp.
Trọng Giáp (Video: Rappler)