Phát biểu trước các lãnh đạo quốc phòng từ 26 nước tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đi đến bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông càng sớm càng tốt. Ông Lý cho rằng điều này sẽ giúp phá vỡ "vòng luẩn quẩn" trong căng thẳng Biển Đông và tránh làm tổn hại quan hệ giữa các nước.
"Nếu va chạm xảy ra trên thực địa và leo thang thành căng thẳng hoặc xung đột ở quy mô lớn hơn, dù cố tình hay khả năng nhiều là vô ý, thì điều đó sẽ rất tệ. Nhưng kể cả khi chúng ta tránh một cuộc va chạm trên thực địa, nếu kết quả được định đoạt trên cơ sở cứ mạnh là đúng, nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu", ông Lý Hiển Long nói. Ông là người phát biểu mở đầu cho Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh thường niên quan trọng nhất của châu Á Thái bình dương.
Theo Channel News Asia, Thủ tướng Singapore cho rằng những tranh chấp hàng hải này hoàn toàn có thể xử lý và kiềm chế được và kết quả tốt nhất là các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Các nước, như Singapore, mặc dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, có liên quan đến các tranh chấp hàng hải và cách thức giải quyết chúng.
Mỹ và Trung Quốc hôm nay tiếp tục chỉ trích nhau trong vấn đề Biển Đông. Chỉ vài giờ trước khi ông Lý phát biểu, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã đặt các hệ thống pháo di động trên một bãi đá nước này bồi đắp ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng kêu gọi Trung Quốc và các nước khác chấm dứt bồi đắp, cho rằng hoạt động trái với sự đồng thuận khu vực.
Thủ tướng Singapore cho rằng nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc trong trật tự quốc tế là hoà bình, quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục mạnh mẽ. "Tất cả các nước châu Á hy vọng quan hệ Mỹ - Trung sẽ tích cực. Không nước nào muốn chọn theo bên nào, Mỹ hay Trung Quốc", ông Lý nói.
Đối thoại Shangri-La là hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á - Thái Bình Dương thường niên do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức từ năm 2002. Sự kiện năm nay diễn ra trong ba ngày, với sự tham dự của lãnh đạo quốc phòng từ 26 nước, trong đó có cả những nước châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Đoàn Việt Nam, do thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu, đã có các cuộc tiếp xúc song phương với nhiều đoàn từ các nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter sẽ có bài phát biểu tại hội nghị vào ngày mai. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), sẽ phát biểu một ngày sau đó.
Trọng Giáp