Nhà chức trách Seoul, Hàn Quốc, đang cho đặt trên nhiều tuyến xe buýt ở trung tâm thành phố những bức tượng "phụ nữ mua vui" đi chân trần, tay đặt lên gối và mặc váy hanbok truyền thống, Guardian hôm 16/8 đưa tin. "Phụ nữ mua vui" là thuật ngữ dùng để chỉ khoảng 200.000 phụ nữ bị lính Nhật bắt làm nô lệ tình dục trước và trong Thế chiến II, phần lớn đến từ bán đảo Triều Tiên.
Chủ nhân ý tưởng, công ty vận tải Dong-A, cho dựng các bức tượng từ hồi đầu tuần. Họ muốn dùng chúng như lời nhắc nhở về sự tàn bạo của chiến tranh. "Các bức tượng nhằm nhắc nhở người dân Hàn Quốc về nỗi thống khổ mà những phụ nữ này phải trải qua", ông Rim Jin-wook, lãnh đạo công ty Dong-A, cho hay.
Thị trưởng Seoul đã thể hiện sự ủng hộ đối với chương trình trên khi đích thân đi thử một chuyến xe buýt có đặt tượng và phát biểu rằng đây là "cơ hội để tỏ lòng tôn kính các nạn nhân". Chương trình kéo dài tới cuối tháng 9, sau đó các bức tượng sẽ được chuyển cố định sang những địa điểm công cộng khác.
Tuy nhiên, việc Hàn Quốc sử dụng không gian công cộng cho một chủ đề gây tranh cãi đã thổi bùng giận dữ ở Nhật Bản. Những người chỉ trích nói các bức tượng này đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận năm 2015, theo đó Seoul và Tokyo được cho là đã dàn xếp xong vấn đề "phụ nữ mua vui".
Thỏa thuận yêu cầu phía Nhật xin lỗi các nạn nhân, dù Tokyo từ chối nhận trách nhiệm pháp lý. Nhật Bản giữ vững quan điểm rằng mọi đền bù đã được giải quyết trong hiệp ước hòa bình song phương năm 1965. Ngoài ra, Tokyo cũng cam kết lập một quỹ trị giá 9 triệu USD để chăm sóc các nô lệ tình dục thời chiến còn sống. Đổi lại, hai nước thống nhất không chỉ trích nhau về vấn đề này trên các diễn đàn quốc tế.
Thực tế, khó khăn lớn nhất khi thực hiện thỏa thuận trên là việc phía Nhật Bản đề nghị chính phủ Hàn Quốc dỡ bỏ các bức tượng "phụ nữ mua vui" trên toàn quốc.
Một trong những trường hợp gây căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng nhất diễn ra vào năm 2011. Các cựu nô lệ tình dục và những nhà vận động đã đặt một bức tượng kích thước thật bằng đồng, tương tự như các bức tượng nhựa trên xe buýt, ngay trước đại sứ quán Nhật tại Seoul.
Kể từ đó, các nhà hoạt động đã dựng thêm hàng chục bức tượng khác, cả ở Hàn Quốc lẫn nước ngoài. Cuối năm 2016, chính quyền thành phố cảng Busan ra lệnh dỡ bỏ một bức tượng như vậy, nhưng hai ngày sau, họ phải lắp đặt lại do sức ép từ công chúng. Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận họ không thể ngăn các nhà hoạt động dựng tượng.
Từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên nắm quyền, nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề "phụ nữ mua vui" sẽ quay trở lại. Ông đã xem xét lại thỏa thuận năm 2015.
Trong một cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Moon cho biết "cảm xúc của quần chúng Hàn Quốc cho thấy người dân không chấp nhận thỏa thuận này".
Hiện chỉ có khoảng 37 "phụ nữ mua vui" còn sống và các cộng đồng địa phương ở Hàn Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch thu hút sự chú ý đến họ.
Theo Hội đồng Hàn Quốc về Phụ nữ bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật, Seoul và các thành phố khác sẽ cho dựng thêm 9 bức tượng nữa nhân dịp kỷ niệm ngày đất nước thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản, nâng tổng số tượng ở Hàn Quốc lên 80 bức.
Hoài Sa