Triều Tiên được biết đến là một trong số quốc gia có quân số thường trực lớn nhất thế giới với khoảng 4.000-6.000 xe tăng chủ lực, chủ yếu là các xe tăng cũ của Nga và các phiên bản tăng sao chép của chúng ở trong nước và từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là đối thủ Hàn Quốc của họ cũng có các xe tăng do Liên Xô chế tạo hiện đại và uy lực hơn các xe tăng của Triều Tiên, theo RussiaInsider.
Trong thập niên 1980, Hàn Quốc liên tục xích lại gần Trung Quốc và Liên Xô với hy vọng thiết lập các mối quan hệ hiệu quả, đồng thời tìm cách chia rẽ hai nước này với Triều Tiên.
Ban đầu, Liên Xô không muốn điều này, nhưng đến cuối thập niên 1980, khi Gorbachev lên nắm quyền, họ đã thay đổi chính sách khi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng diễn ra khiến Moscow phải vay Seoul 1,5 tỷ USD.
Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, Nga là nước kế thừa hợp pháp chiếc ghế Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kho vũ khí nguyên tử và các khoản nợ nước ngoài. Tuy nhiên, kinh tế Nga dưới thời Yeltsin khi đó gặp khó khăn về tiền mặt hơn cả trước kia và không có tiền trả nợ.
Moscow đã đề nghị Seoul và các chủ nợ khác thanh toán bằng một thứ họ dư thừa là các vũ khí hiện đại. Ban đầu, Seoul từ chối, nhưng đến năm 1994, họ đồng ý một nửa khoản nợ sẽ được giải quyết bằng vũ khí của Nga.
Hàn Quốc, dù có quan hệ quân sự thân thiết với Mỹ, trên thực tế là một trong số nước sớm chấp nhận lời đề nghị của Nga bởi họ nhận thấy đây thực sự là một cơ hội tốt để tiếp cận công nghệ Nga.
Thời điểm đó, Hàn Quốc đang tìm cách lắp ráp các khí tài quân sự hiện đại nhưng chưa gặt hái nhiều thành công. Ngoài ra, họ cũng muốn tự mình phát triển vũ khí trong nước nhưng đồng minh Mỹ lại tỏ ra kém nhiệt tình hỗ trợ.
Bởi vậy, khi Nga đưa ra lời đề nghị cung cấp vũ khí hiện đại nhất của mình với điều kiện Hàn Quốc phải mua với số lượng lớn mà không được yêu cầu các hợp đồng chuyển giao công nghệ bắt buộc, Hàn Quốc đã lên danh sách một loạt khí tài họ muốn nhất gồm : 33 xe tăng T-80U, 33 xe chiến đấu bộ binh BMP-3, hơn 1.000 bệ phóng tên lửa chống tăng "Metis" và hàng chục tên lửa phòng không "Igla". Tất cả đều được bàn giao trong giai đoạn 1995-1996.
Những xe tăng Nga mà Hàn Quốc tiếp nhận được trang bị pháo 125 mm uy lực hơn nhiều o với pháo 105 mm hay 115 mm trên xe tăng M-48 và K-1 của họ, đồng thời có độ cơ động cao hơn nhờ các động cơ tuốc bin khí.
Sau một thời gian làm quen, lính Hàn Quốc rất thích tăng T-80 nên trong chương trình đổi nợ lấy vũ khí lần hai năm 2002, họ đã yêu cầu thêm 10 chiếc tăng nữa được bàn giao vào năm 2005.
T-80 đã trở thành loại tăng uy lực nhất của Hàn Quốc trong gần 20 năm, cho tới năm 2014, khi tăng K-2 với pháo 120 mm sản xuất trong nước có uy lực tương đương ra đời và bắt đầu được biên chế vào quân đội.
Tương tự xe tăng T-80, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 cũng tăng cường đáng kể tiềm lực quân sự của Hàn Quốc. Đây là xe chiến đấu bộ binh đầu tiên của họ và hoàn toàn vượt trội so với xe chở quân bọc thép M113 do Mỹ chế tạo và K200 do Hàn Quốc tự thiết kế vốn chậm chạp và có hỏa lực yếu hơn.
Năm 1999, Hàn Quốc tự phát triển xe chiến đấu bộ binh K21 của riêng mình và đưa vào biên chế vào năm 2009. Mẫu xe K21 của Hàn Quốc không có tính năng lội nước tốt như xe BMP-3 của Nga, dù nó mới và giá thành đắt hơn.
Hàn Quốc sau đó đã tổ chức tiểu đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên của mình với 33 xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Nga. Ấn tượng với hệ thống quan sát trên những chiếc xe này nên năm 2002, Hàn Quốc yêu cầu bổ sung 37 xe nữa và được bàn giao năm 2005.
Duy Sơn