Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rút quân khỏi Syria, sau chiến dịch không kích được đánh giá là thành công ở nước này. Kể từ khi Nga can thiệp vào Syria hồi tháng 9 năm ngoái, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây đã bị sốc khi chứng kiến hiệu quả của các đòn không kích Nga ở chiến trường này, dù chúng được thực hiện bởi các chiến đấu cơ đời cũ như Su-24 hay Su-25.
Công nghệ "thần kỳ" giúp Nga thực hiện được điều không tưởng này chính là Hệ thống Máy tính con Đặc biệt (SVP-24), trang tin Saker của Nga cho hay.
Theo Saker, để có thể thả được những quả bom không dẫn đường xuống mục tiêu một cách chính xác nhất, các máy bay đời cũ cần bay chậm và thấp. Trong quá trình này, chỉ cần máy bay tăng tốc một giây khi thả bom cũng khiến bom có thể rơi lệch mục tiêu 600-800 m hoặc hơn.
Để phá hủy các mục tiêu quan trọng như sở chỉ huy địch, các cây cầu, hai loại bom mới đã được phát triển là bom dẫn đường bằng laser và bom dẫn đường bằng hình ảnh. Tuy nhiên, những quả bom này cũng có các giới hạn thông số kỹ thuật nhất định, và các yếu tố như thời tiết và tốc độ bay cũng ảnh hưởng tới độ chính xác của quả bom.
Sự ra đời của công nghệ dẫn đường bằng vệ tinh đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các vũ khí dẫn đường bởi độ chính xác rất cao và không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Lần đầu tiên, phi công lái máy bay chiến đấu có thể sử dụng các hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh như GPS của Mỹ hay GLONASS của Nga để truyền các tín hiệu dẫn đường cho một quả bom đánh trúng mục tiêu. Tuy nhiên, để sản xuất ra những quả bom như vậy rất tốn kém, trong khi phần lớn kho vũ khí quân đội các nước hiện nay đều là những quả bom giá rẻ đời cũ không có cơ chế dẫn đường thông minh.
Để giải quyết vấn đề này, quân đội Mỹ đã phát triển bom thông minh JDAM nhằm biến các quả bom "không thông minh/không dẫn đường" thành các bom "thông minh/dẫn đường" bằng việc gắn một bộ thiết bị điều khiển trên những quả bom này. Điều này giúp tái sử dụng các quả bom cũ hiệu quả hơn, song giá của thiết bị này khá đắt, khoảng 25.000 USD một bộ.
Nga có một giải pháp tốt hơn rất nhiều, đó là hệ thống SVP-24. Thay vì gắn một bộ thiết bị điều khiển lên bom và dùng được một lần, Nga chế tạo một hệ thống tương tự bộ điều khiển bom JDAM của Mỹ, chỉ khác là nó được lắp đặt trên máy bay.
Cơ chế hoạt động của hệ thống SVP-24 là nó liên tục đo khoảng cách của máy bay và mục tiêu nhờ sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS, đo các thông số môi trường như áp suất, độ ẩm, vận tốc gió, tốc độ, góc độ tấn công mục tiêu và nhận thêm các thông tin bổ sung nhờ liên kết dữ liệu từ máy bay cảnh báo sớm (AWAC), sở chỉ huy và các máy bay khác.
Sau đó, hệ thống tự tính toán đưa ra "giới hạn thông số kỹ thuật" về tốc độ, độ cao và hành trình, giúp các quả bom không thông minh được tự động thả đúng thời điểm sao cho nó rơi trúng mục tiêu với độ sai lệch 3-5 mét. Saker cho rằng công nghệ này giúp các máy bay cũ của Nga có thể sử dụng các quả bom không thông minh để tấn công mục tiêu với độ chính xác không hề thua kém các quả bom dẫn đường thế hệ mới được thả từ các oanh tạc cơ tối tân hiện nay.
Video: Chiến đấu cơ Nga ném bom trả thù cho phi công Su-24 bị bắn rơi
Với hệ thống SVP-24, phi công thậm chí không cần quan tâm tới việc nhắm mục tiêu để thả bom, mà chỉ cần nhập tọa độ mục tiêu vào hệ thống và điều khiển máy bay theo hành lang đã được SVP-24 vạch ra. Đến thời điểm thích hợp, bom sẽ được tự động thả vào mục tiêu, phi công chỉ cần quan sát xung quanh để đề phòng các mối đe dọa từ máy bay, tên lửa, pháo phòng không đối phương.
Tính năng ưu việt nhất của hệ thống này là nó có thể được sử dụng để ném bom từ độ cao trên 5000 m, ngoài tầm bắn của các tên lửa phòng không vác vai (MANPAD). Ngoài ra, các yếu tố như mây mù, điều kiện thời tiết hay thời gian không còn là vấn đề với hoạt động không kích.
Hiện nay, hệ thống SVP-24 được tích hợp trên các chiến đấu cơ như tiêm kích bom Su-24, cường kích Su-25, Mig-27, oanh tạc cơ Tu-22M3, trực thăng Ka-50, Ka-52, và máy bay huấn luyện L-39.
Không phải công nghệ đột phá
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Michael Peck của National Interest, công nghệ này của Nga không hề mới và bài viết được Saker đăng tải chỉ đơn thuần là câu chuyện mang tính tự hào về thiết kế đơn giản kiểu Nga "vượt trội" hơn so với công nghệ quốc phòng được cho là "phức tạp" của Mỹ.
Về bản chất, hệ thống SVP-24 của Nga không khác gì một hệ thống ném bom tự động với việc máy bay làm công việc tính toán và quả bom được thả theo những gì máy bay chỉ thị. Đây luôn là mục tiêu của ngành hàng không quân sự kể từ khi thiết bị ngắm mục tiêu ném bom đầu tiên được phát triển trước Thế chiến I.
Điều đáng buồn là các thiết bị ngắm mục tiêu ném bom này liên tục mắc lỗi. Trong Thế chiến II, dù Mỹ tuyên bố thiết bị ngắm mục tiêu của mình có thể giúp oanh tạc cơ thả một quả bom trúng một thùng nước từ độ cao 6,09 km, Sai số Vòng tròn Xác suất (khoảng cách từ mục tiêu mà 50% số bom rơi xuống) của oanh tạc cơ B-17 là 1000 m. Bởi vậy, phần lớn những quả bom Mỹ ném xuống trong Thế chiến II và đều rơi quanh chứ không rơi trúng chính xác vào mục tiêu.
Ưu điểm của bom thông minh là chúng được dẫn đường chính xác vào mục tiêu, nghĩa là một quả bom có thể thực hiện nhiệm vụ mà một cuộc đột kích tổng lực khó có thể thực hiện. Hệ thống SVP-24 được tuyên bố là có thể tính toán mọi yếu tố từ chuyển động của máy bay đến sức gió giật để quả bom đánh trúng mục tiêu, nhưng chỉ cần một chút dữ liệu tính toán sai, quả bom sẽ không rơi theo đúng quỹ đạo.
Trong trường hợp nhận ra quả bom sẽ không rơi trúng mục tiêu, phi công cũng không còn cách nào khác để thay đổi quỹ đạo của nó, khiến nguy cơ quả bom gây ra những thiệt hại ngoài dự tính là rất cao, chuyên gia Peck lưu ý.
Máy bay Nga rút khỏi Syria theo lệnh của Tổng thống Putin
Duy Sơn