Ngày 20/3, dựa trên kết quả phân tích một bức ảnh được công bố trên mạng xã hội Trung Quốc, các chuyên gia quân sự thế giới cho rằng rất có thể nước này đã triển khai một hệ thống tên lửa chống hạm YJ-62 phi pháp tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo IHS Jane’s.
Tên lửa chống hạm cận âm Ưng kích YJ-62 của Trung Quốc ra mắt công chúng vào năm 2006 trong triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, nằm trong dòng tên lửa chống hạm "con tằm" nổi tiếng của Trung Quốc được phát triển từ những năm 1990.
YJ-62 được thiết kế bởi Viện công nghệ cơ điện Haiying thuộc Tổng công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC). Tên lửa dài 6,1 m, đường kính 0,54 m, trọng lượng 1,24 tấn, có thể tấn công cả mục tiêu trên mặt đất lẫn trên biển.
Sau khi vọt ra khỏi ống phóng nhờ một động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn có trọng lượng khoảng 200 kg, YJ-62 sẽ sử dụng cánh lái ở phía đuôi tên lửa để nhanh chóng chuyển hướng. Động cơ phản lực phía sau thân tên lửa kích hoạt đưa tên lửa vào giai đoạn hành trình với tốc độ cận âm Mach 0,9 (306 m/s).
YJ-62 được tích hợp hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị GPS, pha cuối hành trình tên lửa sử dụng radar chủ động để khoá và tấn công mục tiêu. Hệ thống radar chủ động này có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ tàu khu trục ở cự ly 40 km, khoá mục tiêu ở cự ly 30 km.
Đầu đạn của YJ-62 là loại đầu đạn bán xuyên giáp nặng 300 kg, được trang bị ngòi nổ với hai cơ chế, tiếp xúc nổ chậm sau khi xuyên qua vỏ tàu hoặc ngòi nổ điều khiển từ xa.
Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc còn khẳng định tên lửa YJ-62 có khả năng tấn công các mục tiêu ở sâu trong đất liền với các đầu đạn được tăng trọng lượng lên 400 kg để nâng cao hiệu quả công phá.
Liang Guoliang, chuyên gia quân sự ở Hong Kong, cho rằng với việc triển khai tên lửa YJ-62 trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc đang muốn thực thi một hình thức răn đe với phạm vi lên tới 300 km (200 hải lý) quanh hòn đảo này.
"Điều này có thể khiến cho các tàu khu trục tên lửa của Mỹ, thậm chí là cả cụm hàng không mẫu hạm trong tương lai sẽ không dám khinh suất đến gần đảo Phú Lâm trong bán kính 300 km", truyền thông Trung Quốc nhận định.
Tuy nhiên các chuyên gia quân sự Pháp lại cho rằng YJ-62 còn tồn tại nhiều hạn chế và không phải là tên lửa xuất sắc như truyền thông Trung Quốc đưa tin, khiến hiệu quả răn đe của nó bị nghi ngờ, theo Air Defense.
Theo đó, khi thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiên trên đất liền, tốc độ của YJ-62 sẽ bị giảm đi đáng kể, xuống còn khoảng Mach 0,6 (204 m/s), bởi hệ thống radar dẫn đường định vị vệ tinh của tên lửa, vốn chỉ được thiết kế chủ yếu dựa trên địa hình bằng phẳng trên mặt biển, sẽ hoạt động kém hiệu quả ở địa hình đồi núi. Do đó, YJ-62 sẽ dễ dàng bị các hệ thống phòng không đất liền hiện đại của đối phương phát hiện và đánh chặn.
Đối với các mục tiêu trên biển, nhược điểm lớn nhất của YJ-62 là kích thước khá lớn nhưng tốc độ lại chậm. Hơn nữa độ cao hành trình khi tiếp cận mục tiêu của YJ-62 là 7-10 m, bị coi là chưa đạt yêu cầu (các tên lửa chống hạm hiện đại của Nga và Mỹ giai đoạn cuối hành trình chỉ bay cách mặt biển 3-5 m).
Hạn chế này khiến YJ-62 dễ bị chiến hạm đối phương phát hiện từ xa và tổ chức đánh chặn, nhất là khi các loại tên lửa hạm đối không hiện nay đều đã được nâng cấp chức năng tấn công mục tiêu bay bám biển.
Nguyễn Hoàng