Cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với tham vọng ngăn chặn hải quân Mỹ tiếp cận bờ biển của mình, Liên Xô đã thực hiện một dự án cực lớn nhằm chế tạo chiếc tàu sân bay lớn nhất mang tên Ulyanovsk.
Nếu được hoàn thành, siêu tàu sân bay Ulyanovsk của Liên Xô sẽ là một con tàu hải quân khổng lồ dài hơn 305 m, trọng tải 85.000 tấn và đủ sức chứa 70 máy bay các loại. Trang bị động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, khi phối hợp với các tàu chiến và tàu ngầm khác, siêu tàu sân bay này sẽ là một công cụ răn đe rất hiệu quả đối với Mỹ, theo National Interest.
Tuy nhiên, tàu sân bay Ulyanovsk lại gần như chỉ còn là một tàn tích của lịch sử bởi Moscow chưa bao giờ hoàn thiện dự án này do vấn đề tài chính. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga trải qua những năm tháng kinh tế khó ngăn khiến việc đóng những con tàu mới là điều không thể.
Siêu tàu sân bay Ulyanovsk được khởi công vào năm 1988 tại nhà máy đóng tàu Nikolayev South 444 ở Ukraine. Nhà máy này từng đóng các thiết giáp hạm, tàu sân bay trực thăng lớp Moskva và tàu sân bay lớp Kiev, nhưng không tàu nào có thể sánh được về độ hoành tráng với tàu Ulyanovsk.
Được đặt tên theo nơi sinh của lãnh tụ Vladimir Lenin, chiếc siêu tàu sân bay này được trang bị 4 lò phản ứng hạt nhân KN-3, loại ban đầu được thiết kế cho các tuần dương hạm bọc thép lớp Kirov khổng lồ và tuần dương hạm tên lửa hạng nặng Frunze. Bởi vậy, tàu Ulyanovsk có thể dễ dàng đạt vận tốc gần 56 km/h khi hành trình.
Tàu có thể mang theo ít nhất 44 chiến đấu cơ gồm tiêm kích Su-33 và Mig-29 được cấu hình hoạt động trên tàu sân bay. Tàu được trang bị hai hệ thống phóng hơi nước, cất cánh kiểu nhảy cầu, và 4 bộ cáp giữ giúp các chiến đấu cơ cất/hạ cánh thuận tiện.
Các nhà thiết kế tàu dự tính lắp ba thang máy, mỗi chiếc có thể chở được 50 tấn để di chuyển phi cơ ra vào nhà chứa máy bay trên boong. Ngoài ra, tàu còn được trang bị các trực thăng để tìm kiếm cứu nạn và thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống ngầm. Các kỹ sư Liên Xô tính toán tàu sẽ có 3.400 thủy thủ, bằng gần một nửa số thủy thủ trên một tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, dù vậy đây vẫn là con số đáng kể so với các tàu khác của Liên Xô.
Việc Liên Xô muốn đóng một siêu tàu sân bay là động thái rất đáng chú ý bởi những tàu khổng lồ chưa bao giờ được chú trọng trong lực lượng hải quân nước này.
Có một lý do hợp lý đằng sau việc đóng tàu Ulyanov. James Holmes, giáo sư chiến lược ở Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng Liên Xô muốn sở hữu siêu tàu sân bay để hình thành thế trận phòng thủ "Vành đai Xanh" gần bờ.
Thế trận "Vành đai Xanh" là sự kết hợp sức mạnh trên bộ, trên biển và trên không để ngăn chặn tàu sân bay và tàu ngầm Mỹ. Nga có thể bảo vệ đất liền đồng thời tạo ra khu vực tuần tra an toàn cho tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thực hiện các nhiệm vụ răn đe hạt nhân.
"Các tàu ngầm hạt nhân này cần ẩn mình trong nhiều tuần khi đạt độ sâu an toàn. Các siêu tàu sân bay của Liên Xô có thể góp phần tạo ra các thành phần tác chiến bề mặt và trên không trong thế trận phòng thủ Vành đai Xanh, xua đuổi các lực lượng đặc nhiệm Mỹ khỏi các vùng biển Á - Âu", Holmes nói.
Mặt khác, niềm tự hào dân tộc cũng có thể là động cơ thúc đẩy Liên Xô đóng tàu Ulyanovsk. "Mỹ là siêu cường thế giới và lãnh đạo Liên Xô muốn có khí tài tương tự để chứng tỏ họ cũng là siêu cường", Holmes nói.
Tuy nhiên, tàu Ulyanovsk mới chỉ đóng được 20% khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Đến năm 1992, Nga gặp vô vàn khó khăn về kinh tế, không đủ tiền để duy trì các chương trình quân sự tốn kém, và tàu Ulyanovsk bị tháo dỡ bán phế liệu.
Hiện nay, Nga chỉ có một tàu sân bay duy nhất là tàu Đô đốc Kuznetsov nhỏ hơn nhiều được hạ thủy năm 1985. Những trục trặc kỹ thuật đã khiến nó không thể ra khơi mà không đi kèm một chiếc tàu kéo.
Nga dường như đang hồi sinh giấc mơ đóng siêu tàu sân bay với việc bước đầu thiết kế một tàu sân bay mới lớn hơn tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ và có thể mang theo tới 100 máy bay.
"Các nước lớn đều có tàu sân bay, Nga tự coi mình là một cường quốc nên tàu sân bay sẽ là một biểu tượng của sự hồi sinh quốc gia và niềm kiêu hãnh sau khi Liên Xô tan rã", chuyên gia quân sự Paul Richard Huard nhấn mạnh.
Xem thêm: Nga nỗ lực hồi sinh năng lực đóng tàu sân bay
Duy Sơn