Hôm 23/3, trong cuộc phỏng vấn với Rossiyskaya Gazeta, đại tướng Alexander Drornikov, chỉ huy lực lượng quân đội Nga ở Syria, lần đầu tiên thừa nhận lực lượng đặc nhiệm Nga đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Syria.
Ông Dvornikov tiết lộ rằng lính đặc nhiệm Nga đã thu thập tin tức tình báo để chỉ thị mục tiêu cho các cuộc không kích ở Syria và thực hiện các nhiệm vụ khác, nhưng không cho biết có bao nhiêu thành viên lực lượng đặc nhiệm đã được triển khai đến chiến trường này.
Tiến sĩ Mark Galeotti, giáo sư quan hệ quốc tế ở Trung tâm Quan hệ Quốc tế Đại học New York và giám đốc Sáng kiến Nghiên cứu các Mối đe dọa mới nổi, cho rằng lực lượng đặc nhiệm mà Nga sử dụng để yểm trợ quân đội chính phủ Syria chính là Spetsnaz, một trong những đội quân tinh nhuệ nhất của Nga hiện nay.
Theo Galeotti, lực lượng đặc nhiệm Nga đã hiện diện ở Syria thậm chí trước cả thời điểm Nga chính thức can thiệp Syria hồi tháng 9/2015, chủ yếu là nhằm huấn luyện cho các đối tác Syria của họ và tăng cường đảm bảo an ninh cho đại sứ quán Nga và các căn cứ khác tại đây. Lực lượng Zaslon của Cục Tình báo Nước ngoài Nga đã được triển khai ở Syria để đảm an ninh thường xuyên cho đại sứ quán Nga tại nước này.
Đến khi Nga bắt đầu triển khai lực lượng đến Syria, đặc nhiệm Spetsnaz được tung ra để đảm bảo an ninh cho căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia và căn cứ hải quân Tartus, và sau đó thực hiện một số nhiệm vụ trinh sát hạn chế để chỉ thị mục tiêu cho các cuộc không kích.
Ngoài các đơn vị đặc nhiệm Spetsnaz thuộc Tổng cục Tình báo Quân đội (GRU), Nga có thể còn huy động đặc nhiệm Spetsnaz hải quân từ Lữ đoàn Trinh sát Hải quân số 431 để thành lập một tiểu đoàn đặc nhiệm độc lập với quân số khoảng 230-250 người ở Syria.
Trong lực lượng này còn có sự góp mặt của một đội thuộc Bộ chỉ huy Tác chiến Đặc biệt (KSO) mới thành lập, chủ yếu là lính bắn tỉa và lính trinh sát. Hồi đầu tháng, Nhóm Tình báo Xung đột (CIT), một tổ chức dân sự chuyên điều tra các hoạt động của Nga ỏ nước ngoài, công bố danh tính sĩ quan KSO đầu tiên hy sinh ở Syria là đại úy Fedor Zhuravlev, người thiệt mạng hồi tháng 10/2015.
Đặc nhiệm Spetsnaz Nga có ba nhiệm vụ chính là trinh sát chiến trường, bảo vệ an ninh đặc biệt, và trực tiếp tham chiến. Nhưng trên chiến trường Syria, Spetsnaz chỉ thực hiện hai nhiệm vụ đầu tiên, chứng tỏ ngay khi bắt đầu triển khai, Nga đã dự tính giảm thiểu rủi ro trực tiếp tham gia vào cuộc chiến hỗn loạn ở Syria.
Sử dụng các kỹ năng trinh sát của mình, đặc nhiệm Spetsnaz có thể được phái tới các điểm nóng để quan sát, phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho hỏa lực pháo binh, không quân Nga tiến hành các cuộc tấn công. Trong hơn 5 tháng can thiệp quân sự, Nga đã thực hiện 9.000 lượt không kích, làm thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường Syria.
Nhiệm vụ thứ hai của Spetsnaz trên chiến trường Syria là bảo vệ an ninh đặc biệt, trong đó có việc đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự và lợi ích của Nga tại khu vực này. Theo Galeotti, rất có thể một đội Spetsnaz đã được phái đến thủ đô Damacus, sẵn sàng tiêu hủy các tài liệu mật, đề phòng khả năng chính quyền Syria sụp đổ.
Báo chí Nga cho biết có hơn 60 sĩ quan GRU và cố vấn quân sự Nga vẫn ở lại Syria sau khi nước này thực hiện chiến dịch rút quân lớn, chứng tỏ đặc nhiệm Spetsnaz vẫn sẽ hiện diện và phát huy hiệu quả của mình trên chiến trường này. Tuy nhiên với mục tiêu không để sa lầy vào cuộc chiến ở Syria, Nga chắc chắn không triển khai Spetsnaz theo kiểu tấn công "mũi giáo" thọc sâu hay tiến hành các nhiệm vụ ngăn chặn, chia cắt địch như được huấn luyện, ông Geleotti nhận định.
Video đặc nhiệm Spetsnaz Nga huấn luyện võ thuật
Duy Sơn