Trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, chính phủ Mỹ gặp khó khăn trong việc trấn an các đồng minh châu Âu khi Liên Xô có hàng chục nghìn xe tăng sẵn sàng tràn qua trong trường hợp nổ ra xung đột, buộc Lầu Năm Góc phải nghiên cứu một vũ khí hạt nhân nhỏ cấp chiến thuật để răn đe Nga và trấn an đồng minh, và pháo M65 ra đời, theo MilitaryFactory.
M65 là loại pháo lớn nhất của quân đội Mỹ, có thể bắn cả các đầu đạn thông thường và hạt nhân. Có cái tên ban đầu là "Able Annie" (Annie mạnh mẽ) trước khi đổi thành "Atomic Annie" (Annie nguyên tử), đây là một cỗ pháo cỡ nòng 280 mm, có tầm bắn hơn 32 km.
Đầu những năm 1950, có 20 khẩu M65 được sản xuất. Đến tháng 5/1953, hai khẩu pháo được đưa tới khu thử nghiệm Frenchman Flat, tại Nevada để phô diễn uy lực, ông Towana Spivey, giám đốc Bảo tàng Fort Sill, chuyên lưu giữ các loại pháo chiến trường của quân đội Mỹ, cho biết.
Trong số hai khẩu pháo được đem đi thử nghiệm, chỉ có một khẩu được khai hỏa trong cuộc thử nghiệm hạt nhân có tên Knothole. Khẩu còn lại được dùng để dự phòng.
Tại cuộc thử nghiệm này, một quả đạn pháo hạt nhân có sức công phá 15 kiloton, tương đương quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, đã được bắn đi ở cự ly 11,2 km, tạo thành một cột khói hình cây nấm, và thổi bay mọi nhà cửa, xe cộ, vật dụng trên khu thử nghiệm.
Dù có trọng lượng tới 47 tấn, Annie có thể di chuyển cơ động trên hầu hết mọi điều kiện địa hình nhờ hai đầu kéo ở phía trước và phía sau. Lái xe trên hai đầu kéo sẽ liên lạc với nhau thông qua các hệ thống điện thoại tích hợp.
Video: Lần duy nhất pháo hạt nhân Mỹ khai hỏa
Phát triển gấp rút
M65 được thiết kế dựa trên mẫu đại bác đường sắt K5 280 mm từng được quân đội phát xít Đức triển khai để oanh tạc các khu vực binh sĩ Mỹ đổ bộ tại Italy trong Thế chiến II. Những khẩu pháo này khi đó được người Đức gọi là "Anzio Annie".
Năm 1949, trung tâm nghiên cứu quân sự Picatinny Arsenal của quân đội Mỹ tại New Jersey được giao nhiệm vụ phát triển một khẩu pháo có thể bắn đầu đạn hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc phải nâng cấp khẩu pháo chiến trường 240 mm lớn nhất của quân đội Mỹ khi đó lên thành 280 mm.
Chỉ trong vòng 15 ngày bên trong một căn phòng khóa kín tại Lầu Năm Góc, nhà thiết kế Robert Schwartz đã hoàn tất bản phác thảo. Các chi tiết của bản vẽ sau đó được hoàn tất bên trong một căn phòng khóa kín khác tại Picatinny.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khi đó, tướng J. Lawton Collins, đã đánh giá cao nỗ lực của ông Schwartz đến độ 25 năm sau ông vẫn nhắc tới công lao của Schwartz trong cuốn hồi ký của mình.
Sau đó, ông Schwartz phải cấp tốc mua sắm thiết bị và chuẩn bị nhân sự cho giai đoạn phát triển kéo dài ba năm.
Theo Gun.com, đạn nguyên tử của M65 là đạn W9 có đường kính 280 mm, dài 139 cm và nặng 364 kg. Nó sử dụng 50 kg urani làm giàu cấp độ vũ khí, được sắp xếp theo một hệ thống tiên tiến giúp các khối urani va chạm nhau khi viên đạn phát nổ, kích hoạt chuỗi phản ứng hạt nhân tạo ra vụ nổ có sức công phá 15 kiloton. Sức công phá này tương đương với vụ nổ của quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản, chỉ khác là đầu đạn W9 nhỏ hơn rất nhiều.
Đến ngày 20/1/1953, tại lễ nhậm chức hoành tráng của tổng thống Mỹ Dwight David Eisenhower, một khẩu pháo nguyên tử 280m được đưa ra diễu hành, cùng với 22.000 binh sĩ và 5000 dân thường.
Yểu mệnh
Khẩu pháo hạt nhân M65 đầu tiên được đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 1952. Với thiết kế đã được kiểm chứng, M65 và đạn của nó sau đó đã được chuyển bằng đường biển đến Đức, nơi chúng được di chuyển địa điểm liên tục trong gần một thập kỷ để răn đe Liên Xô.
Được bảo vệ bởi các trung đội bộ binh, những khẩu M65 khi đó được kéo đi khắp các khu rừng châu Âu, để khiến Liên Xô khó phát hiện.
Tuy nhiên, pháo M65 có nhược điểm là quá lớn và cồng kềnh nên khó che giấu, khó vận chuyển bằng máy bay, buộc người ta phải tháo rời các bộ phận và dùng tàu để chở bằng đường biển đến nơi tập kết, sau đó đưa lên tàu hỏa và lắp ráp lại tại căn cứ.
Bởi vậy, đến năm 1963, pháo hạt nhân M65 được cho nghỉ hưu sau khi các đạn pháo hạt nhân nhỏ hơn sử dụng trên pháo thông thường 155 mm và 203 mm ra đời.
Sau khi rút khỏi tiền tuyến, một số khẩu pháo M65 bị phá hủy và bỏ lại ở nước ngoài thay vì đưa trở lại nước Mỹ. 79 đạn W9 của nó cũng bị thu nhỏ lại và chế tạo thành các bom T4 ADM, một trong những “vũ khí hạt nhân thu nhỏ” đầu tiên được âm thầm đưa vào biên chế quân đội Mỹ trong thời gian dài.
Quân đội Mỹ đã cho nghỉ hưu các khẩu pháo hạt nhân năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các khẩu pháo hạt nhân 155 mm và 203 mm cuối cùng được tháo dỡ năm 2004. Hiện nay, có ít nhất 8 trong tổng số 20 khẩu siêu pháo M65 vẫn còn được trưng bày trên khắp nước Mỹ.
Từng có nhiều tranh cãi về giá trị của các khẩu pháo hạt nhân, nhất là về tầm bắn. Tuy nhiên, tướng Collins tin rằng việc đe dọa triển khai loại vũ khí này đã góp phần dẫn tới hiệp ước đình chiến tại bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, ông tin rằng sự hiện diện tại châu Âu "của các khẩu pháo nguyên tử Mỹ đã góp phần lớn vào việc răn đe bất kỳ cuộc tấn công nào của Liên Xô".
Hoàng Nguyên