Hôm 4/5, Trung Quốc lắp đặt 32 ống phóng tên lửa thẳng đứng cho tàu khu trục tên lửa 6.100 tấn mang tên Thâm Quyến (Shenzhen), phục vụ trong hải quân từ năm 1998, theo Popsci.
Tên lửa đối không HQ-16 có tầm bắn 50 - 60 km, chuyên đối phó các mục tiêu tầm thấp và tầm cao trên không. Giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là "tiến bộ quan trọng" của hải quân Trung Quốc, nâng cấp hỏa lực của tàu chiến đóng từ thế kỷ trước lên 4 lần, phạm vi chiến đấu của tên lửa tăng 16 lần.
Nhiều trang mạng Trung Quốc cho biết tàu Thâm Quyến được lắp tên lửa HQ-16B và HQ-16C, hai loại tên lửa đất đối không mới nhất. Ngoài ra, tàu còn được trang bị pháo Galting Type 1130 có khả năng bắn 10.000 phát mỗi phút. Đây là vũ khí giúp tăng cường khả năng chống tên lửa và phòng không tầm thấp.
Trung Quốc cũng nâng cấp vũ khí cho hai tàu khu trục tên lửa mang tên Hàng Châu (Hangzhou) và Phúc Châu (Fuzhou). Hai tàu này được Nga đóng từ thập niên 90 thế kỷ trước, sau đó bán cho Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc vẫn dựa vào hệ thống vũ khí Nga trên tàu, thêm vào các linh kiện do Trung Quốc sản xuất như hệ thống điện tử, hệ thống cảm biến và lắp thêm pháo, ống phóng tên lửa.
Tàu Hàng Châu được lắp từ 32 đến 48 ống phóng tên lửa đất đối không, hải đối đất. Hệ thống tháp pháo hai tầng AK-130 trên ba tàu được thay bằng pháo H/PJ-38 13 cm do Trung Quốc sản xuất. Hệ thống pháo này có lượng đạn ít nhưng tầm bắn xa hơn. Trung Quốc cũng thay 4 ống phóng tên lửa KT-190 sang loại tên lửa đối hạm YJ-12.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là cách lựa chọn có chi phí thấp nhưng ít nhiều tăng được năng lực tác chiến cho các tàu cũ của hải quân Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến dịch cải tổ của quân đội Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đang muốn xây dựng một cấu trúc chỉ huy tương tự như Mỹ. Bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố giảm ngân sách quốc phòng xuống còn 7,6% so với 10% năm 2015, hải quân và không quân nước này lại được chú trọng đầu tư và phát triển.
Xem thêm: Tham vọng kiểm soát châu Á của quân đội Trung Quốc
Văn Việt