Trong 12 ngày cuối tháng 5/1941, lực lượng liên quân Anh, Australia, New Zealand và Hy Lạp đã phải nỗ lực chiến đấu để đẩy lui cuộc đổ bộ quy mô lớn chưa từng có của phát xít Đức,
Sau khi Hy Lạp rơi vào tay Đức trong tháng 4/1941, quân Đồng minh tập trung lực lượng bảo vệ Crete, hòn đảo lớn nhất ở đông Địa Trung Hải, nơi phát xít Đức rất muốn tấn công đánh chiếm, theo War History.
Hòn đảo này là nơi lý tưởng để tiến hành các chiến dịch hải quân. Ngoài ra, đường băng trên đảo Crete là nơi tập kết máy bay để tấn công các mục tiêu ở Bắc Phi, làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu của Đức ở Romania hoặc tấn công tuyến hàng hải của Anh ở kênh đào Suez.
Nếu chiếm được đảo Crete, Đức Quốc xã sẽ ngăn chặn quân Đồng minh phát động các cuộc phản công vào khu vực Đức mới chiếm được ở vùng Balkan. Các tướng lĩnh Đức lên kế hoạch sử dụng lực lượng thuộc Quân đoàn không quân XI do thiếu tướng Kurt Student chỉ huy để đánh chiếm hòn đảo này.
Theo kế hoạch, lính Đức sẽ nhảy dù và dùng tàu lượn đổ bộ xuống những cứ điểm trọng yếu dọc bờ biển phía bắc đảo Crete, sau đó Sư đoàn sơn cước số 5 sẽ chuyển quân bằng đường không đến các sân bay chiếm được.
Lực lượng tấn công của Student sẽ đổ bộ xuống khu vực Maleme ở phía tây, trong khi một mũi tấn công nhỏ hơn sẽ nhắm vào phía đông. Mũi đổ bộ chính ở phía đông sẽ được tiêm kích Messerschmitt Bf 109 xuất kích từ đất liền yểm trợ.
Nhờ tin tức tình báo, trung tướng Bernard Freyberg, chỉ huy quân Đồng minh trên đảo Crete, nắm được ý đồ của Đức và thiết lập thế trận phòng thủ trước cuộc tấn công. Tuy nhiên, yếu tố địa hình và trang bị liên lạc nghèo nàn khiến nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm quan trọng phía bắc, nơi cách khu vực phe Trục chiếm giữ chỉ 100 km, là nhiệm vụ rất khó khăn.
Tướng Freyberg có khoảng 40.000 quân giữ đảo, hầu hết đều được sơ tán khỏi đất liền sau khi bị thất thủ. Dù quân số đông, họ chỉ có trang thiết bị lạc hậu, không thể liên lạc với nhau do địa hình rừng núi hiểm trở, vũ khí không đủ uy lực để tạo nên sự khác biệt trên chiến trường.
Ngoài lực lượng bộ binh, Freyberg được chi viện thêm 22 xe tăng, 100 khẩu pháo, trong đó chỉ có 49 khẩu có chất lượng đảm bảo và phải dàn mỏng trên đảo.
Trận chiến nổ ra ngày 20/5/1941, lính dù Đức đổ bộ từ máy bay Junkers Ju 52 xuống gần đường băng Maleme. Lực lượng này chịu thương vong lớn trong ngày đầu tiên khi hứng chịu hỏa lực bắn lên từ mặt đất, khiến một số đại đội gần như bị xóa sổ. 400 trong tổng số 600 quân của Tiểu đoàn 3 bị chết trong ngày đầu tấn công Crete do tàu lượn bị bắn rơi hoặc bị quân phòng ngự tiêu diệt sau khi tiếp đất.
Dù chịu thương vong lớn, lính dù Đức vẫn chọc thủng được phòng tuyến do liên quân Australia - Hy Lạp thiết lập. Ngay trong đêm 20/5, lực lượng phòng thủ đảo đã phản công, tái chiếm một số vị trí bị mất vào tay quân Đức, nhưng đến sáng sớm, tình hình nhanh chóng thay đổi.
Ngày 21/5, Tiểu đoàn bộ binh 22 của New Zealand rút lui khỏi đồi 107 do hai đại đội phòng ngự ở hai phía không liên lạc được với nhau, khiến đường băng Maleme không được bảo vệ.
Quân Đức chiếm được đường băng Maleme mà không vấp phải sự kháng cự lớn. Tướng Student nhanh chóng tập trung quân chiếm đường băng Maleme và điều thêm quân đổ bộ bằng đường biển. Quân Đồng minh đối phó bằng cách ném bom khu vực nhưng không thể ngăn Sư đoàn sơn cước số 5 được chuyển đến bằng máy bay ngay trong đêm.
Quân Đồng minh tổ chức phản công chiếm lại đường băng nhưng phải đối mặt với các oanh tạc cơ Stuka của Đức, khiến họ phải rút lui sang sườn đông đảo Crete.
Sau 4 ngày giao tranh ác liệt, Freyberg ra lệnh sơ tán toàn bộ lực lượng quân Đồng minh khỏi đảo Crete. Quân Đồng minh mất hơn 1.700 người, cùng với khoảng 6.500 quân đầu hàng và bị phát xít Đức bắt làm tù binh vào 1/6.
Tuy giành chiến thắng, lực lượng lính dù Đức hứng chịu thương vong rất nặng nề với hơn 6.000 quân thiệt mạng. Hoảng sợ với tổn thất quá lớn của chiến dịch nhảy dù chiếm đảo quy mô lớn đầu tiên này, Hitler quyết định lính dù chỉ được sử dụng để yểm trợ bộ binh, không bao giờ được tiến hành thêm bất cứ chiến dịch tương tự nào nữa.
Về phần mình, các tướng lĩnh Đồng minh nhận thấy hiệu quả của việc sử dụng lực lượng đổ bộ trong các cuộc tấn công chiếm đảo. Từ nghiên cứu kinh nghiệm của Đức ở trận Crete, các chiến lược gia Mỹ đã ra mắt học thuyết sử dụng quân đổ bộ trang bị vũ khí hạng nặng khi họ tham chiến ở châu Âu.
Duy Sơn