"Triều Tiên không có bất cứ phương tiện nào để kiểm tra việc tên lửa có thể tái xâm nhập khí quyển. Tình báo Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên vẫn chưa sở hữu công nghệ này", Reuters hôm nay dẫn lời nghị sĩ Yi Wan-young, thành viên Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc.
Một quả tên lửa được coi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khi nó đạt tầm bắn từ 6.000 km trở lên. Sau khi bay lên quỹ đạo, tên lửa phải trải qua giai đoạn "tái xâm nhập khí quyển", trong đó đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong quá trình cọ xát với không khí ở vận tốc rất lớn.
Theo ông Yi, cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc hiện nhận định rằng ICBM mà Triều Tiên tuyên bố thử thành công ngày 4/7, trên thực chất chỉ là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo tầm trung KN-17.
Trong khi đó, chuyên gia về tên lửa hàng đầu của Mỹ John Schilling lại đưa ra nhận định trái ngược với các chuyên gia tình báo Hàn Quốc. Schilling cho rằng nếu được phát triển đầy đủ, tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên có thể bay xa 9.700 km, đủ sức tấn công căn cứ hải quân Mỹ ở San Diego.
Triều Tiên ngày 4/7 phóng thử tên lửa Hwasong-14 ra biển Nhật Bản. Tên lửa bay cao 2.802 km, xa 933 km, trong thời gian 39 phút, dài hơn thời gian bay của bất cứ tên lửa nào trước đó của Bình Nhưỡng.
Nguyễn Hoàng