Tổ hợp tên lửa Iskander-M diễn tập bắn đạn thật.
Truyền thông Nga đầu tháng 7 cho biết Lữ đoàn tên lửa số 3 mới thành lập thuộc Quân đoàn 29, Quân khu miền Đông trở thành đơn vị thứ tư được biên chế hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander-M, thay thế cho tên lửa đạn đạo 9K79-1 Tochka-U đời cũ. Giới chuyên gia đánh giá việc tăng cường tên lửa Iskander-M cho 4 lữ đoàn thuộc Quân khu miền Đông là thông điệp rõ ràng mà Nga dành cho Trung Quốc, theo Diplomat.
Guy Plopsky, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, cho rằng các lữ đoàn tên lửa đạn đạo thuộc Quân khu miền Đông Nga có nhiệm vụ chủ yếu là tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và thông thường nhằm vào Trung Quốc.
Với tầm bắn 400-500 km, tên lửa Iskander-M đặt tại Quân khu miền Đông chỉ có thể bắn tới đảo Hokkaido, không có khả năng đe dọa các căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ tại Nhật Bản, hay Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) đặt ở Hàn Quốc.
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Nga không còn triển khai các lữ đoàn tên lửa đồn trú sát Nhật Bản. Hai lữ đoàn Iskander-M ở vùng Viễn Đông đều được bố trí ở những khu vực có chung đường biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên. Điều này cho thấy nhiệm vụ chủ yếu của họ là kiềm chế Bắc Kinh, cũng như ứng phó với các tình huống bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên.
Vị trí đóng quân của hai lữ đoàn còn lại dường như chỉ tập trung vào Trung Quốc. Lữ đoàn tên lửa số 103 đóng quân tại nước Cộng hòa Buryatia thuộc Nga có chung đường biên giới với Mông Cổ, trong khi Lữ đoàn số 3 đóng quân ở vùng Zabaykalsky giáp khu vực Nội Mông của Trung Quốc.
![thong-diep-tu-ten-lua-iskander-m-nga-gui-toi-trung-quoc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/07/25/Iskander-8401-1500955407.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=F9Y-_Ey3dGShiR6MT03BBw)
Địa điểm bố trí các lữ đoàn Iskander-M của Nga. Ảnh: Diplomat.
Động thái triển khai 4 lữ đoàn Iskander-M tại khu vực này cho thấy Moscow tỏ ra bất an trước sức mạnh quân sự gia tăng của Bắc Kinh. "Cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của 100.000 quân mang tên Vostok 2014 ở Quân khu miền Đông là bằng chứng rõ ràng cho thấy Nga tiếp tục coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng", tiến sĩ Roger N. McDermott, chuyên gia nghiên cứu quân sự Á-Âu, nhận định.
Do mối lo ngại này, việc bố trí tên lửa đạn đạo Iskander-M ở khu vực sát Bộ tư lệnh Chiến lược khu miền bắc Trung Quốc là bước đi hợp lý của Nga. Với khả năng mang theo nhiều đầu đạn, Iskander-M sẽ là lựa chọn hiệu quả khi đối phó với bộ binh và thiết giáp số lượng lớn của đối phương.
Tên lửa Iskander-M có độ chính xác rất cao, điều đã được kiểm chứng trong các cuộc diễn tập bắn đạn thật hồi năm 2014 và 2016. Nga hiểu rằng khả năng tấn công chính xác sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự tương lai.
Tổ hợp Iskander-M cũng có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, tăng cường khả năng răn đe của Nga, ngăn chặn đối phương có hành vi thù địch. Do ưu thế vũ khí thông thường của Moscow đang suy giảm so với Bắc Kinh, vũ khí hạt nhân, đặc biệt là các hệ thống phi chiến lược như Iskander-M, sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong việc răn đe đối thủ tiềm tàng, chuyên gia Plopsky nhấn mạnh.
Duy Sơn