Hải quân Mỹ dự kiến tích hợp tên lửa Hellfire lên tàu chiến đấu ven biển (LCS) vào năm tới để cải thiện khả năng phòng thủ tầm xa của tàu so với hệ thống pháo bắn nhanh 30 mm hiện nay, theo National Interest.
"Pháo 30 mm và tên lửa Longbow Hellfire đều được thiết kế để đối phó với đội hình tập kích của các máy bay tấn công nhanh và tàu tốc độ cao của đối phương nhắm vào tàu chiến ven biển Mỹ", đại úy Casey Moton, Quản lý Chương trình Module Nhiệm vụ LCS, nói.
Pháo 30 mm sẽ được sử dụng để đối phó với các cuộc tấn công và mối đe dọa tầm gần trong khi tên lửa Hellfire được thiết kế để tấn công các mục tiêu tầm xa ngoài đường chân trời, giúp chỉ huy tàu đối phó với các mục tiêu cơ động nhanh trên mặt nước. "Chúng tôi đang cải tiến tên lửa Longbow Hellfire của lục quân để sử dụng trên biển qua ống phóng thẳng đứng trên tàu LCS", Moton nhấn mạnh.
Phiên bản tên lửa Hellfire trên tàu LCS được thiết kế khác một chút so với phiên bản gắn trên trực thăng và máy bay không người lái (UAV).
"Tên lửa Hellfire thường khóa mục tiêu trước khi phóng, nhưng đối với tàu LCS, nó bật đầu dò mục tiêu sau khi phóng. Chúng tôi đã thành công 10/12 lần bắn thử nghiệm hồi năm ngoái", Motion cho hay.
Theo chuyên gia quân sự Kris Osborn, tên lửa phòng từ tàu LCS sử dụng công nghệ dẫn đường/dò tìm "sóng mm", một hệ thống khóa mục tiêu có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Thời gian tới, tên lửa này sẽ được thiết kể để tích hợp vào hệ thống chiến đấu và máy tính trên tàu LCS.
Một phần của thiết kế tên lửa Hellfire lắp trên tàu LCS là giúp phối hợp và kết nối khóa mục tiêu với các trực thăng Mk-60 của hải quân Mỹ hoạt động ngoài đường chân trời.
"Trực thăng có thể phát hiện một cuộc tập kích sắp diễn ra từ ngoài đường chân trời, giúp tàu phóng tên lửa Hellfire", Moton nói.
Trong tương lai, tên lửa Hellfire sẽ được sử dụng bên cạnh các pháo 30 mm và 57 mm, đồng thời sẽ được kết nối với các UAV cất hạ cánh thẳng đứng phóng từ tàu LCS. Nền tảng tình báo, trinh sát và giám sát này có thể giúp phát hiện mục tiêu và truyền video theo thời gian thực tới trung tâm chỉ huy và kiểm soáy mục tiêu trên tàu.
Được biên chế từ thập niên 1970, tên lửa Hellfire ban đầu được thiết kế với đầu đạn xuyên giáp diệt tăng nặng hơn 45 kg, khai hỏa từ trực thăng để diệt xe thiết giáp, hầm ngầm và các công sự kiên cố của đối phương. Hiện nay, vũ khí này chủ yếu được trang bị cho các máy bay không người lái Predator và Reaper của không quân, Grey Eagle của lục quân, trực thăng tấn công AH-64 Apache, OH-58 Kiowa Warrior và AH-1 Super Cobra.
Tên lửa Hellfire có thể sử dụng hệ dẫn tần số radio theo cơ chế "bắn rồi quên" hoặc công nghệ dẫn đường laser bán chủ động. Đầu đạn tên lửa này có nhiều loại gồm Đạn diệt tăng sức công phá lớn (HEAT), đạn nổ văng mảnh và các loại khác để gây thiệt hại tối đa cho mục tiêu.
Việc tích hợp tên lửa Hellfire cho tàu LCS đã được triển khai trong nhiều năm và được xem là một yếu tố then chốt trong chiến lược "triển khai sức mạnh" của hải quân Mỹ nhằm trang bị tốt hơn các vũ khí phòng thủ và tấn công cho hạm đội tàu mặt nước, Osborn nhấn mạnh.
Xem thêm: Tàu chiến đấu ven biển Mỹ thêm nanh vuốt với tên lửa diệt hạm mới
Duy Sơn