Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/7 yêu cầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngừng chương trình vũ trang và huấn luyện lực lượng nổi dậy Syria. Các chuyên gia đánh giá động thái này của ông Trump có thể đẩy phe nổi dậy Syria vào tình trạng tuyệt vọng, theo US News.
"Về mặt tâm lý, quyết định này đã giáng đòn chí mạng vào phe nổi dậy Syria", một cựu chỉ huy đặc nhiệm Mỹ tại chiến trường Syria khẳng định.
Chương trình hỗ trợ phe nổi dậy Syria lần đầu được tiết lộ hồi tháng 6/2012, sau khi chính quyền cựu tổng thống Barack Obama tỏ ý muốn lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thông qua lực lượng đối lập. Nó càng được Mỹ củng cố khi triển khai lực lượng tham chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Quan chức Mỹ cho biết CIA đã chi hàng trăm triệu USD cho việc huấn luyện và trang bị vũ khí cho các tay súng nổi dậy trong chương trình này. Sau 4 năm thực hiện, hiệu quả của chương trình này bắt đầu bị nghi ngờ khi thành trì Aleppo của quân nổi dậy sụp đổ cuối tháng 12/2016. Chương trình này cũng gây ra nhiều quan ngại về việc lực lượng nổi dậy "ôn hòa" được CIA hậu thuẫn bắt tay với các nhóm phiến quân cực đoan thân al-Qaeda như Jabhat al-Nusra.
Chuyên gia quân sự Paul D. Shinkman cho rằng chương trình này không hẳn là một thất bại hoàn toàn. Lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đã giành được một số thắng lợi chiến thuật, trước khi bị quân đội chính phủ Syria đánh bại. Lầu Năm Góc cũng phát triển được mạng lưới tình báo đầu tiên ở Syria, giúp họ nắm bắt thông tin thực địa qua nhiều hình thức liên lạc, kể cả mạng xã hội.
Tuy nhiên, các chính sách của chính quyền Obama không theo kịp bản chất phức tạp của chiến tranh. "Chúng tôi luôn đặt câu hỏi về thời điểm chiều hướng chiến tranh thay đổi, đặc biệt là khi Nga can thiệp quân sự vào Syria. Các chiến binh nổi dậy buộc phải hợp tác với Jabhat al-Nusra, nhóm phiến quân mạnh nhất trên thực địa", cựu quan chức quốc phòng cao cấp dưới thời chính quyền Obama thừa nhận.
Quan chức này nhận định việc hủy bỏ chương trình hỗ trợ phe nổi dậy Syria của Trump là quyết định hoàn toàn đúng đắn, vì "nó không mang lại kết quả". Hạn chế của chương trình này là Mỹ không phân biệt được các phần tử cực đoan bạo lực trong lực lượng đối lập Syria. Các nhóm "ôn hòa" và cực đoan thường bị đánh đồng với nhau, trong khi các tay súng bị xem như công cụ của phương Tây.
Chính quyền Obama từng cân nhắc chấm dứt chương trình từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, sau khi Nga triển khai quân đến Syria hồi năm 2015, Nhà Trắng tỏ ra lo ngại việc dừng chương trình mà không thu được bất kỳ thành công nào.
Khi không còn nhận được sự hỗ trợ về tài chính, vũ khí và huấn luyện từ các cố vấn của CIA, lực lượng nổi dậy Syria chắc chắn sẽ bị suy yếu đáng kể và dần bị đè bẹp dưới quân đội chính phủ đang ngày càng mạnh lên nhờ sự yểm trợ hỏa lực của Nga.
Các chuyên gia lo ngại rằng khi phong trào nổi dậy tan rã, các tay súng nổi dậy sẽ đầu quân cho các nhóm cực đoan, thậm chí có thể quay sang chống lại Mỹ. Tuy nhiên, đây là kết cục không thể tránh khỏi của một chương trình hỗ trợ thiếu hiệu quả, tốn kém của CIA.
"Bạn lâm vào tình huống bất khả thi. Nếu nhìn vào lịch sử huấn luyện, trang bị và cố vấn cho các nhóm nổi dậy địa phương, việc tiến hành một chương trình từ xa, không có lực lượng tại chỗ chưa bao giờ đem lại thành công", một cựu quan chức Mỹ cho biết.
Duy Sơn