Các vụ phóng thử tên lửa Snark
Trong thập niên 1950, không quân Mỹ phát triển tên lửa hành trình chiến lược mang đầu đạn hạt nhân khá lạ lùng có tên gọi là Snark. Đây là tên lửa hành trình chiến lược đầu tiên được đưa vào biên chế trên thế giới, nhưng cũng là một thảm họa với không quân Mỹ, theo WATM.
Tên lửa Snark ra đời sau 11 năm phát triển với các thông số khá ấn tượng. Loại tên lửa cận âm này có thể mang một đầu đạn hạt nhân, có nhiều khoang chứa nhiên liệu, được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính có khả năng tự động cập nhật thông tin định kỳ.
Thiết kế khí động học của Snark cũng rất hiệu quả với cánh cụp để tăng lực nâng. Do không có cánh ổn định đuôi, tên lửa bay với phần mũi hướng lên trên so với mặt phẳng ngang. Phiên bản hoàn chỉnh của Snark sử dụng động cơ Pratt & Whitney J57, mang theo 11.793 kg nhiên liệu kerosene để đạt tầm bắn tới hơn 10.000 km.
Snark được trang bị một đầu đạn hạt nhân W39 có sức công phá 4 megaton, tương đương 200 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Nagasaki. Nó được đặt trên bệ phóng với hai động cơ đẩy sơ tốc, giúp tên lửa đạt tốc độ hành trình trước khi động cơ chính khởi động và tăng tốc lên 1.139 km/h cho đến khi đạt độ cao hành trình 14,6 km.
Các biến thể sau đó được trang bị mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng không đối phương. Nếu tên lửa không bị mất phần mũi, nó có thể quay trở về căn cứ để tái sử dụng. Đến thập niên 1960, không quân Mỹ hiệu chỉnh Snark để nó có thể bay ở tầm thấp, nhằm tránh các hệ thống radar. Mỹ còn cân nhắc tới biến thể phục vụ do thám, nhưng đề xuất này sau đó bị hủy.
Độ chính xác thảm họa
Sau hai lần thử nghiệm thất bại, Mỹ phóng thành công phiên bản Snark thu nhỏ có tên N-25 vào tháng 4/1951. Nguyên mẫu hoàn chỉnh mang tên N-69 được chế tạo sau đó, nhưng liên tiếp gặp thất bại trong các lần phóng thử.
Phải tới lần phóng thứ 31, tập đoàn Northrop Grumman mới thu hồi được khung thân tên lửa để phân tích và họ phát hiện ra rằng Snark thực sự là một thảm họa về hệ thống dẫn đường cũng như độ chính xác.
Khi bắn ở khoảng cách 3.218 km, độ sai lệch mục tiêu của tên lửa Snark lên tới 32 km, lần bắn thử tốt nhất của nó cũng có độ sai lệch mục tiêu 8 km. Với độ tin cậy kém như vậy, ngay cả khi trang bị đầu đạn nhiệt hạch, Snark cũng không đủ sức xóa sổ mục tiêu.
Điển hình cho sự kém tin cậy của tên lửa này là sự cố đáng xấu hổ trong lần phóng thử nghiệm ngày 5/12/1956. Quả tên lửa Snark dự kiến bay đến Puerto Rico và quay trở về căn cứ ở Florida, nhưng trên hành trình, nó bỗng nhiên mất tín hiệu điều khiển.
Màn hình radar cho thấy quả Snark chệch khỏi đường bay với tỉ lệ 12 km trên mỗi quãng đường 160 km, nghĩa là với quãng đường bay hơn 3.000 km, tên lửa sẽ chệch mục tiêu ban đầu hơn 200 km. Vì tên lửa không thể tự điều chỉnh lại đường bay, khi nó bay qua đảo Mayaguana ở Bahamas, trạm radar số 6 phát tín hiệu tự hủy nhưng không thành công, tên lửa tiếp tục bay về hướng biển Caribbean.
Các trạm radar số 7 ở Grand Turk, trạm số 8 ở Cộng hòa Dominica, trạm số 9 ở Puerto Rico và trạm số 10 ở St. Luca được lệnh theo dõi đường bay quả tên lửa Snark. Trong đó, các trạm số 7, 9 và 10 thay nhau phát tín hiệu can thiệp để tên lửa tự hủy nhưng không có tác dụng.
Trung tâm Thử nghiệm tên lửa Không quân Mỹ liên lạc với căn cứ không quân Ramey ở Puerto Rico, yêu cầu cho chiến đấu cơ xuất kích đánh chặn tên lửa. Nhưng lúc này đã quá muộn, các máy bay đã không thể đuổi kịp tên lửa. Nhận định tên lửa có thể rơi xuống phía nam Puerto Rico, quan chức không quân báo động cho Thượng viện Mỹ.
Trạm radar số 10 là địa điểm cuối cùng có thể theo dõi và can thiệp vào đường bay tên lửa. Các nhân viên tại đây liên tục gửi tín hiệu tự hủy nhưng bất thành. Trong những giây cuối cùng, tên lửa Snark bay đến ngoài khơi Venezuela, theo hướng đông nam đến rừng Amazon ở Brazil trước khi biến mất khỏi màn hình radar. Phải đến 26 năm sau, các mảnh vỡ tên lửa mới được tìm thấy ở quốc gia Nam Mỹ này.
Bất chấp những lỗi trên, Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ (SAC) vẫn tuyên bố tên lửa SM-62A Snark sẵn sàng đưa vào biên chế đầu năm 1959. Không quân Mỹ chỉ sản xuất 30 quả đạn, trang bị cho đơn vị duy nhất là Không đoàn Tên lửa Chiến lược số 702 ở Maine, bảo đảm tầm bắn của Snark vươn tới Nga.
Tên lửa Snark đầu tiên được đưa đến căn cứ này vào tháng 5/1959, bắt đầu chuyển sang trạng thái vận hành và sẵn sàng chiến đấu vào tháng 2/1961. Nhưng chưa đầy 4 tháng sau, Không đoàn 702 bị giải thể, khiến tên lửa Snark không còn được sử dụng, chương trình tên lửa này bị chấm dứt.
Ngày nay, Mỹ dựa vào các tên lửa đạn đạo tầm trung và xuyên lục địa để duy trì khả năng răn đe chiến lược. Khái niệm "oanh tạc cơ không người lái" đã báo trước về kỷ nguyên chiến tranh máy bay không người lái, minh chứng cho thiết kế đi trước thời đại của Snark, bất chấp sự thất bại của mẫu tên lửa này.
Duy Sơn