Cách đây đúng 50 năm, Liên Xô đã kích nổ quả bom Sa Hoàng (Tsar Bomba) ở một hòn đảo phía bắc Vòng Bắc Cực. Với sức công phá tương đương 57 triệu tấn thuốc nổ TNT, đây là loại vũ khí nhiệt hạch mạnh nhất từng được con người chế tạo, giúp Liên Xô san bằng cách biệt về bom nhiệt hạch với Mỹ, ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng, theo Sputnik.
Quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi sau vụ máy bay do thám U-2 của Mỹ bị Liên Xô bắn rơi ngày 1/5/1960. Phi công Francis Gary Powers bị bắt giữ, sau đó thừa nhận đã thực hiện các phi vụ do thám căn cứ quân sự bí mật của Liên Xô. Căng thẳng giữa Washington và Moscow càng leo thang sau sự kiện Vịnh Con Lợn diễn ra chỉ một năm sau ở Cuba.
Lệnh cấm thử thiết bị hạt nhân do Liên Xô đề xuất năm 1958 khiến kho vũ khí hạt nhân của nước này bị Mỹ bỏ xa. Chỉ trong vòng hai năm, số đầu đạn hạt nhân của Mỹ đã tăng từ 7.500 lên 18.600.
Tới tháng 7/1961, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev quyết định thúc đẩy việc nghiên cứu vũ khí nhiệt hạch siêu mạnh để lấy lại sự cân bằng với Mỹ. Ông tuyên bố kế hoạch chế tạo loại bom nhiệt hạch với sức nổ tương đương 100 triệu tấn TNT để "đưa người Mỹ trở lại thực tế".
4 nhà vật lý hạt nhân Victor Adamskii, Yuri Babaev, Yuri Smirnov và Yuri Trutnev được giao nhiệm vụ thiết kế và chế tạo một quả bom nhiệt hạch 3 tầng chỉ trong vòng 15 tuần.
Quả bom mang định danh AN602, biệt danh là "Bom Sa hoàng" (Tsar Bomba). Các nhà khoa học đã ứng dụng thiết kế Teller-Ulam để tạo phản ứng dây chuyền, từ đó sinh ra đủ năng lượng kích nổ quả bom. Quả bom có sức nổ tương đương 100 triệu tấn TNT, nhưng nhóm chế tạo đã giảm sức mạnh của nó đi một nửa để bảo đảm an toàn.
9h sáng ngày 30/10/1961, một máy bay ném bom Tu-95-202 cất cánh với quả Tsar Bomba, bay cùng nó là một chiếc Tu-16A làm nhiệm vụ nghiên cứu vụ nổ. Quả bom nặng 27 tấn, lớn tới mức các phi công Tu-95 phải tháo cửa khoang bụng để có chỗ lắp bom. Địa điểm thử nghiệm là quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương.
Lúc 11h30, quả bom được thả từ độ cao 10.500 m và hãm tốc độ bằng dù để hai máy bay có đủ thời gian thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của vụ nổ. Chỉ 188 giây sau, Tsar Bomba phát nổ ở độ cao 4.200 m. Các nhà thiết kế ước tính sức nổ tương đương 51,5 triệu tấn TNT, còn vụ nổ thực tế đạt tới 57 triệu tấn TNT.
Quả cầu lửa do bom Tsar Bomba tạo ra có đường kính 4,6 km, có thể nhìn thấy từ khoảng cách 1.000 km. Đám mây hình nấm vươn lên độ cao 70 km và có đường kính 95 km. Trong vòng một giờ sau vụ nổ, tín hiệu radio bị nhiễu trong bán kính hàng trăm km do quá trình ion hóa khí quyển.
Chấn động từ vụ nổ di chuyển quanh Trái Đất tới 3 lần. Sóng xung kích phát ra từ vụ nổ làm vỡ cửa kính và gây tiếng nổ lớn trên đảo Dikson, cách nơi thử nghiệm khoảng 800 km. Vụ nổ có khả năng gây bỏng độ 3 ở khoảng cách tới 100 km.
Tuy nhiên, Tsar Bomba không được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô, bởi việc chế tạo nó chỉ để khẳng định với Mỹ rằng Liên Xô đủ khả năng sản xuất những loại vũ khí hạt nhân khủng khiếp.
Sau khi nhận ra tiềm lực của Liên Xô, Mỹ quyết định ngừng việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Tới ngày 5/8/1963, Liên Xô, Mỹ, Anh ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trên không, trong vũ trụ và dưới nước.
Vụ thử nghiệm bom Tsar đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô và Mỹ. Nhờ đó, cuộc chạy đua vũ khí nhiệt hạch và nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân đã được ngăn chặn, Sputnik kết luận.
Khoảnh khắc bom Tsar phát nổ
Xem thêm: Trực thăng Nga gắn tên lửa diệt xe tăng từ khoảng cách 30 km
Tử Quỳnh