Đây là lần cắt giảm quân số lớn nhất lịch sử của Trung Quốc.
Hôm 12/7, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm quân số thường trực xuống dưới mức một triệu người, nhằm tập trung nguồn lực cho lực lượng tên lửa chiến lược và hải quân, đồng thời thu nhỏ quy mô lục quân. Đây là lần cắt giảm quân số lớn nhất lịch sử quân đội Trung Quốc, theo Diplomat.
Nhà nghiên cứu Adam Ni thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Australia cho rằng động thái này phù hợp với xu hướng tái cấu trúc quân đội Trung Quốc từ thập niên 1980. Bắc Kinh từng thu gọn quy mô quân thường trực nhiều lần, điển hình như đợt giảm một triệu quân năm 1985, 500.000 quân vào năm 1997, 200.000 quân năm 2003 và 300.000 người trong năm 2015.
Đợt cắt giảm này được đánh giá là không quá bất ngờ. Tháng 1/2016, Quân ủy Trung ương Trung Quốc từng công bố danh mục ưu tiên cải cách quân đội đến năm 2020, trong đó kêu gọi tiếp tục chuyển đổi quân đội từ "lượng" sang "chất", cân đối giữa các quân binh chủng, cắt giảm các cơ quan và nhân sự không tham gia chiến đấu.
Theo ông Ni, do nằm trong chương trình cải cách quy mô lớn, đợt cắt giảm này không làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Thay vào đó, nó sẽ biến quân đội Trung Quốc thành lực lượng chiến đấu tinh gọn và hiệu quả hơn nhiều.
Việc chuyển nguồn lực từ lục quân sang hải quân, lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược sẽ giúp Bắc Kinh đối phó tốt hơn với những thách thức an ninh mới, bao gồm cả lĩnh vực hàng hải và không gian mạng. Tư duy chiến lược truyền thống tập trung vào bộ binh không còn phù hợp với nhu cầu mới. Trung Quốc cần đáp ứng các yêu cầu hiện đại như bảo vệ tuyến hàng hải, tiến hành các hoạt động quân sự ở nước ngoài và bảo mật thông tin.
Quá trình cắt giảm nhân sự không quan trọng, không trực tiếp tham gia chiến đấu sẽ khiến lục quân bớt cồng kềnh, tiết kiệm nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Bắc Kinh có thể tập trung hiện đại hóa quân đội, tăng cường chất lượng huấn luyện, nghiên cứu và phát triển những vũ khí mới và tăng cường khả năng hiệp đồng giữa các lực lượng.
Cắt giảm cấu trúc chỉ huy cồng kềnh có thể giúp quân đội Trung Quốc trở nên linh hoạt, gắn kết và hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Bắc Kinh phải đối mặt với môi trường an ninh phát triển nhanh chóng, cùng với ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng trên thế giới.
Đợt cắt giảm này là một bước đi có chủ đích trong chiến lược dài hạn, nhằm biến quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng chiến đấu nhỏ gọn, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong thế kỷ 21 và giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại, chuyên gia Ni nhấn mạnh.
Duy Sơn