Vùng biển Iron Bottom Sound gần quần đảo Solomons trên Thái Bình Dương là một trong số những khu vực đáng sợ nhất trên thế giới, bởi nó đã chôn vùi khoảng 50 tàu chiến trong Thế chiến II. Năm 1942, một lính tuần duyên Mỹ trải qua những giây phút kinh hoàng nhất trong đời mình tại khu vực này, theo War History Online.
Sau khi lính Mỹ đổ bộ lên đảo Guadalcanal thuộc quần đảo Solomons, hải quân đế quốc Nhật Bản liền điều nhiều tàu phóng lôi và khu trục hạm liên tục lượn lờ ngoài khơi, quấy rối hoạt động chuyển quân của Mỹ. Để đối phó, hải quân và tuần duyên Mỹ thường đi tuần bằng các xuồng đổ bộ nhỏ (LCP) được trang bị bom chìm và súng máy.
Tối 18/8/1942, thuyền trưởng kiêm lái tàu 20 tuổi Robert "Bob" J. Canavan tình nguyện lái xuồng LCP cùng 5 đồng đội tuần tra khu vực xung quanh. Nghe thấy tiếng súng ngoài khơi, Canavan căng mắt tìm kiếm trong đêm tối và phát hiện một chiến hạm ở đằng xa.
Tưởng đó là tàu bạn, Canavan điều khiển xuồng tiếp cận. Ngay lập tức, Canavan nhận ra mình đã phạm sai lầm tệ hại, bởi đó là tàu khu trục Hagikaze của hải quân đế quốc Nhật Bản. Chiếc xuồng tuần tra dài 11 m của họ quá nhỏ bé so với khu trục hạm dài gần 122 m của đối phương.
Canavan nhanh chóng quay đầu, mở hết tốc lực để chạy thoát. Nhưng lúc này họ đã bị phát hiện và tàu Hagikaze bắt đầu đuổi theo. Xuồng LCP chỉ có thể chạy với vận tốc tối đa 14,8 km/h do mang lượng lớn bom chìm, quá chậm so với tốc độ 65 km/h của tàu địch.
Canavan điều khiển xuồng chạy ngoằn nghèo với hy vọng tàu địch khó bắn trúng, nhưng nỗ lực này là vô ích bởi tàu Hagikaze đã nhanh chóng đuổi kịp, các khẩu súng máy và pháo phòng không bắt đầu dội mưa đạn vào chiếc xuồng nhỏ của Mỹ.
Khi các viên đạn găm vào thân xuồng, nhóm lính Mỹ hiểu rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc mặc áo phao và nhảy vội xuống biển. Canavan chạy ra núp sau bánh lái, khiến xuồng không còn người điều khiển, nhưng cũng nhờ vậy mà đối phương khó ngắm bắn hơn.
Đến lúc bánh lái của chiếc xuồng bị bắn nát, Canavan không còn cách nào khác buộc phải nhảy xuống biển. Do không có thời gian mặc áo phao, Canavan gần như ngay lập tức chìm xuống biển. Anh bơi sát mặt nước, nổi lên và giả vờ là một xác chết.
Chỉ huy chiếc khu trục hạm Nhật Bản cho tàu di chuyển vòng quanh xuồng LCP, bắn hỏng động cơ và cử lính nhảy lên xuồng tháo dỡ khẩu súng máy rồi tiếp tục lùng sục các thành viên thủy thủ đoàn sống sót. Trong khi Canavan giả chết trên mặt biển, lính Nhật xả đạn giết chết những thủy thủ Mỹ đang mặc áo phao trôi nổi trên mặt nước.
Cho rằng toàn bộ thủy thủ trên xuồng đều đã chết, khu trục hạm Hagikaze quay trở lại nhiệm vụ tấn công quân Mỹ trên bờ biển.
Canavan lúc này cô độc giữa vùng biển đầy cá mập, không có áo phao, gần đó là 5 xác chết của đồng đội. Ban đầu, anh có ý định tự sát nhưng sau đó quyết chiến đấu để sống sót. Canavan bơi hơn 19 km đến hòn đảo gần nhất. Sau hơn 20 giờ chiến đấu với đói, khát, mệt mỏi và nỗi sợ bị đối phương phát hiện, cuối cùng anh đã đến được hòn đảo.
Sau khi lên được bờ biển, Canavan được thổ dân bản địa tìm thấy và cứu chữa, nhưng anh liên tục bị nôn do không quen đồ ăn của họ. Người lính tuần duyên này quyết định tiếp tục đi bộ băng qua đảo, sau đó sẽ tìm đường tới căn cứ của thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Tulagi.
Canavan đến được eo biển rộng 365 m giữa hai hòn đảo. Anh quyết định bơi qua để lên đảo Tulagi. Lính thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo phát hiện và chĩa súng vào Canavan vì tưởng là kẻ địch xâm nhập. Tuy nhiên, khi thấy rõ Canavan, chỉ huy tại đây ra lệnh đưa anh lên khỏi mặt nước.
Canavan được đưa đến bệnh viện dã chiến gần đó để chữa trị. Sau khi Canavan hồi phục, hải quân Mỹ quyết định điều anh khỏi vùng chiến sự, nhưng Canavan đã bí mật trốn trong một oanh tạc cơ đổ bộ lên đảo Guadalcanal để tiếp tục ở lại chiến đấu. Việc làm này bị cấp trên phát hiện, khiển trách và hạ cấp bậc nhưng Canavan vẫn được ở lại chiến đấu trong thời gian còn lại của chiến dịch.
Duy Sơn