National Interest mới đây đưa ra kịch bản giả định về một cuộc xung đột toàn diện nổ ra giữa Liên Xô và Mỹ vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó nhấn mạnh vào cuộc đọ sức của hai chiến hạm mạnh nhất của hai nước thời kỳ đó, là tuần dương hạp lớp Kirov và thiết giáp hạm USS Iowa.
Tương quan vũ khí
Với tải trọng 24.000 tấn, chiều dài 252 m (tương đương chiều dài một tàu sân bay), tuần dương hạm lớp Kirov là tàu chiến lớn nhất của Liên Xô được sản xuất sau Thế chiến II. Tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tốc độ tối đa lên đến 59 km/h.
Kirov được phát triển với chức năng chính là tấn công nên có thể mang theo 20 tên lửa chống hạm P-700 Granit. Mỗi tên lửa Granit nặng hơn 6,8 tấn, mang theo đầu đạn 750 kg, có thể bay với vận tốc siêu thanh Mach 2,5 (851 m/s), tấn công mục tiêu ở khoảng cách 300 hải lý (550 km) nhờ hệ thống dẫn đường hỗn hợp quán tính và radar.
Ngoài ra, Kirov cũng được trang bị hệ thống phòng thủ đa tầng với 96 tên lửa phòng không tầm xa S-300F. Tàu cũng được trang bị 192 tên lửa tầm ngắn 3K95 Tor, 40 tên lửa 4K33 cùng 6 pháo phòng không AK-630 cỡ nòng 30 mm.
Trong khi đó, thiết giáp hạm USS Iowa của Mỹ được đóng vào những năm 1940, có trọng tải 58.000 tấn, chiều dài 271 m, tốc độ tối đa lên đến 64 km/h.
USS Iowa được trang bị dàn vũ khí hùng hậu với 9 khẩu pháo cỡ nòng 406 mm lắp trong 3 tháp pháo chính. Mỗi tháp pháo có độ dày 0,5 m, trọng lượng 1.200 tấn. Pháo 406 mm gắn trên đó có thể bắn đạn xuyên thép nặng 1,2 tấn, tầm bắn 37 km.
USS Iowa còn được thiết kế dàn pháo thứ cấp gồm 20 khẩu pháo 127 mm lắp trong các tháp pháo đôi. Sau khi được tái biên chế và vũ trang vào năm 1982, USS Iowa được bổ sung những vũ khí hiện đại như 32 tên lửa hành trình Tomahawk, 16 tên lửa đối hạm Harpoon và 4 hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx CIWS 6 nòng 20 mm, cùng các radar dò tìm phòng không, mặt biển và kiểm soát vũ khí.
Kịch bản đối đầu
Theo bình luận viên Kyle Mizokami, trong trường hợp Kirov và Iowa xác định được vị trí của nhau ở khoảng cách 300 hải lý (550 km), Iowa gặp bất lợi bởi những vũ khí tầm xa nhất của nó như Tomahawk là tên lửa tấn công mặt đất nên đều vô dụng khi đối phó với Kirov.
Tàu Kirov chiếm lợi thế ở khoảng cách xa nhờ 20 tên lửa Granit. Tuy nhiên, nếu phóng hết số tên lửa này, Kirov sẽ phải nhanh chóng bỏ đi, bởi nó đã sử dụng hết toàn bộ vũ khí tấn công tầm xa của mình và không còn gì nổi trội để có thể tiếp tục cuộc chiến.
Theo xác suất, trong số 20 tên lửa Granit được Kirov phóng ra, hai quả sẽ không phóng thành công hoặc rơi xuống biển, 18 tên lửa còn lại sẽ hướng thẳng tới Iowa.
Tàu Iowa rất yếu về phòng không khi chỉ có hai hệ thống pháo Phalanx CIWS để bắn hạ tên lửa Granit. Hệ thống làm nhiễu radar chủ động SLQ-32 và thiết bị phóng mồi bẫy nhiệt Mark 36 SRBOC của Iowa sẽ nỗ lực đánh lừa hệ thống dẫn đường của tên lửa Granit.
Các hệ thống này kết hợp lại có thể bắn hạ hoặc vô hiệu hóa 9 tên lửa Granit, nhưng vẫn còn 9 quả tên lửa nữa trúng mục tiêu, gây thiệt hại nhất định cho tàu Iowa.
Nhờ có lớp vỏ thép rất dày, thiết giáp hạm Iowa khó có thể chìm khi trúng 9 quả tên lửa Granit, dù hai tháp pháo chính của nó có thể bị hư hại. Với ba pháo 406 mm của tháp pháo còn lại, Iowa vẫn đủ sức để hạ gục Kirov. Tuy nhiên, do Iowa chỉ chạy nhanh hơn Kirov khoảng 5 km/h, ở khoảng cách 550 km, nó sẽ không thể bắt kịp và đến đủ gần chiến hạm Nga trong phạm vi 37 km để khai hỏa pháo.
Trong điều kiện lý tưởng nhất, khi khoảng cách giữa hai tàu còn khoảng 100 km, Iowa có thể khai hỏa 16 tên lửa Harpoon. Tuy nhiên, với số lượng tên lửa khiêm tốn này, Iowa sẽ khó có thể xuyên thủng mạng lưới phòng không ba lớp của Kirov.
Trên thực tế, Iowa chỉ có thể giành chiến thắng khi đến gần Kirov ở khoảng cách xấp xỉ 40 km, nhờ uy lực của 9 khẩu pháo 406 mm. Ở phạm vi đó, khả năng sống sót của Kirov là rất thấp. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Liên Xô sẽ không bao giờ để Kirov đến gần thiết giáp hạm Mỹ ở khoảng cách nguy hiểm như vậy.
Xem thêm: Hậu quả thảm khốc nếu chiến tranh Mỹ - Trung nổ ra.
Nguyễn Hoàng