Xe tăng Triều Tiên tham gia duyệt binh hôm 15/4
Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Triều Tiên đang sở hữu 4.200 xe tăng cùng 2.200 xe thiết giáp chở quân và xe chiến đấu bộ binh. Khi kết hợp với các hệ thống pháo tự hành trên khung gầm tăng thiết giáp, con số này có thể tăng tới gần 20.000 xe thiết giáp các loại, theo Tank Encyclopedia.
Xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Triều Tiên là xe tăng T-54/55 do Liên Xô sản xuất. Triều Tiên đặt mua 400 xe T-54 và 200 chiếc T-55 vào năm 1966. Trong giai đoạn 1969-1974, Bình Nhưỡng tiếp tục được chuyển giao thêm 300 chiếc T-54, 50 xe trong giai đoạn 1972-1973 và 500 chiếc từ năm 1975 đến 1979. Tính đến năm 2000, ước tính Triều Tiên có đến 1.600 xe tăng T-54/55 trong biên chế.
Dòng T-54/55 hiện bị coi là lỗi thời, nhưng Triều Tiên đã thực hiện nhiều cải tiến đáng kể, tiêu biểu là hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại với thiết bị đo xa laser. Tổ hợp này đã chứng minh hiệu quả trong cuộc chiến Syria. Nhiều xe tăng quân đội chính phủ Syria đã được Triều Tiên nâng cấp hệ thống ngắm bắn, giúp tăng cường đáng kể uy lực trên chiến trường.
Bình Nhưỡng cũng có trong tay tới 1.200 xe tăng Chonma-ho (Thiên Mã) tự sản xuất. Đây được cho là bản sao chép của xe tăng T-62 do Syria chuyển giao. Giống như T-54, xe tăng Chonman-ho cũng được Triều Tiên từng bước nâng cấp. Các phiên bản gần đây nhất giúp Chonman-ho có năng lực gần tương đương xe tăng T-62M của Liên Xô.
Tuy chiếm số lượng lớn trong lực lượng tăng thiết giáp, cả T-54 và Chonman-ho đều là những xe tăng dựa trên công nghệ từ hàng chục năm trước. Để đối chọi lại với xe tăng hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên đã cho ra đời mẫu tăng mạnh nhất mang tên Pokpung-ho (Bão Phong Hổ).
Pokpung-ho sở hữu nhiều tính năng không kém gì xe tăng hiện đại của Nga và Mỹ. Nổi bật là pháo chính cỡ 125 mm, có khả năng bắn nhiều loại đạn chống tăng, giúp Pokpung-ho cạnh tranh được với xe tăng đối phương.
Loại xe này còn được lắp giàn tên lửa phòng không độc đáo trên tháp pháo, giúp nó tự vệ trước mối nguy hiểm từ trực thăng và máy bay đối phương.
Hỏa lực của Pokpung-ho gần đây còn được gia tăng đáng kể khi Triều Tiên áp dụng gói nâng cấp mới, cho phép lắp thêm hai tên lửa chống tăng dẫn bắn bằng chùm tia laser, giúp nó có thể giao chiến tầm xa với tăng M1 Abrams của Mỹ và K1 của Hàn Quốc. Bên cạnh đó là súng phóng lựu lắp đồng trục với tháp pháo để chống bộ binh.
Tuy vậy, số lượng Pokpung-ho trong biên chế quân đội Triều Tiên không nhiều, chỉ khoảng 250 chiếc trong các đơn vị cận vệ tinh nhuệ. Ngoài điểm mạnh ở hỏa lực, loại xe tăng hiện đại nhất của Triều Tiên vẫn có nhiều điểm yếu ở khả năng phòng vệ và trinh sát.
Quân đội Triều Tiên còn biên chế một số xe tăng lội nước PT-85, phiên bản nội địa cải tiến từ xe tăng PT-76. Tuy có giáp mỏng và hoả lực không ấn tượng, nó vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ yểm trợ đổ bộ chiếm đảo và vượt sông.
Ngoài xe tăng, Bình Nhưỡng cũng sở hữu số lượng xe thiết giáp chở quân rất lớn. Nổi bật nhất là xe bọc thép VTT-323, phiên bản nội địa dựa trên mẫu YW531 của Trung Quốc. Giống như Popkung-Ho, xe thiết giáp Triều Tiên được trang bị tên lửa phòng không gắn trên tháp pháo.
Lực lượng tăng thiết giáp Triều Tiên được đánh giá là có quy mô lớn, số lượng hùng hậu, nhưng đa số đều là các dòng xe tăng cũ, năng lực chiến đấu bị giới hạn rất nhiều. Tuy vậy, nếu được sử dụng hợp lý, chúng vẫn đủ sức gây thiệt hại không nhỏ cho đối phương trong trường hợp chiến tranh nổ ra, chuyên gia quân sự Dave Majumdar của National Interest nhận định.
Lã Xuân Linh