Bộ Quốc phòng Nga hôm 4/10 xác nhận đã triển khai một hệ thống tên lửa đất đối không S-300 đến căn cứ hải quân ở Tartus, Syria để bảo vệ căn cứ và tàu chiến hoạt động trong khu vực, theo RT.
Trước đó, Fox News dẫn nguồn tin từ cộng đồng tình báo Mỹ cho biết đã theo dõi việc vận chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo S-300 từ Nga đến cảng Tartus của Syria. Đây là lần đầu tiên hệ thống này được triển khai ra ngoài lãnh thổ Nga.
Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami của PopularMerchanics, S-300 là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến nhất trên thế giới, uy lực tương đương tên lửa Patriot PAC-3 của Mỹ.
Điều đáng chú ý là hệ thống này chuyên dùng để bắn hạ máy bay và tên lửa, nhưng trên bầu trời Syria chỉ có các chiến đấu cơ thuộc liên quân do Mỹ dẫn đầu chống Nhà nước Hồi giáo (IS) hoạt động.
Bởi vậy, Mizokami tin rằng việc Nga triển khai S-300 là nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây. Việc tình báo Mỹ theo dõi được hành trình vận chuyển S-300 từ Nga tới cảng Tartus chứng tỏ quân đội Nga không hề có ý định che giấu việc này.
Theo một nguồn tin quân sự tiết lộ với RHBT, động thái triển khai vũ khí mới này là nhằm đáp trả tuyên bố của Mỹ về việc chuyển sang thực hiện "Phương án B" ở Syria, tăng cường số lần không kích, điều thêm lực lượng đặc nhiệm đến khu vực và cung cấp thêm vũ khí mới cho lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn. Trước đó vài ngày, Nga cũng triển khai cường kích Su-24 và tiêm kích bom Su-34 đến Syria, trong khi Su-25 cũng đã sẵn sàng tái triển khai đến khu vực.
Tên lửa S-300 Nga khai hỏa tiêu diệt mục tiêu
"Các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không vận hành trong khu vực sẽ giúp tránh lặp lại sự cố ở Deir ez-Zour, khi liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích nhầm vào vị trí của quân đội Syria làm 62 quân nhân thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương", nguồn tin trên cho hay.
Theo chuyên gia quân sự Nikolai Litovkin, hệ thống tên lửa mà Nga vừa chuyển đến Syria là phiên bản nâng cấp S-300V4, sử dụng xe bánh xích thay vì bánh lốp.
"Hệ thống mới có thể di chuyển trên địa hình gồ ghề, di chuyển theo đội hình xe tăng, xe bọc thép chở quân (APC) và các xe khác. Nhiệm vụ của nó là bảo vệ lực lượng trên chiến trường trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích", Viktor Litovkin, chuyên gia quân sự của hãng thông tấn TASS nói.
Theo Litovkin, hệ thống tên lửa cải tiến này có khả năng tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm thấp hành trình ở vận tốc 2,4 km/s, tầm bắn trên 149 km của đối phương.
Chuyên gia quân sự Saagar Enjeti của Daily Caller cũng cho rằng động thái triển khai S-300 của Nga đến Syria dường như để ngăn chặn bất kỳ kế hoạch nào của Mỹ nhằm tăng cường không kích nhằm vào các mục tiêu không phải IS.
"Nhóm Nusra thân al-Qaeda, mục tiêu tấn công của Nga, không hề có chiến đấu cơ, vì thế việc triển khai S-300 nhằm hạn chế các lựa chọn của Mỹ ở Syria", một quan chức Mỹ nói với Fox News. Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận rằng với hệ thống tên lửa mới này, Nga có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nào của Mỹ ở Syria.
Tên lửa hành trình là lựa chọn phổ biến của quân đội Mỹ trong các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Năm 2013, trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria, quân đội Mỹ đã lên kế hoạch tấn công nước này bằng tên lửa hành trình.
Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton mới đây ngỏ ý sẵn sàng thiết lập vùng cấm bay ở Syria nếu đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, giới lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng vùng cấm bay chỉ được thiết lập thành công khi loại bỏ được các hệ thống phòng không của Nga và Syria ở khu vực này.
"Để kiểm soát toàn bộ không phận Syria, Mỹ cần chống lại cả Nga và Syria. Đây là quyết định mà tôi chắc chắn sẽ không thực hiện", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford tuyên bố trước Quốc hội Mỹ hôm 26/9.
Xem thêm: Nga điều S-300 đến căn cứ hải quân ở Syria
Duy Sơn