Một tuần trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, hải quân Mỹ đã điều hai cụm tàu sân bay chiến đấu đến biển Philippines để diễn tập cùng tàu chiến Ấn Độ và Nhật Bản. Sau đó, cụm tàu USS Ronald Reagan đã tiến vào tuần tra tại Biển Đông nhằm "giữ cho vùng biển này rộng mở cho tất cả", theo Reuters.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) được hạ thủy vào tháng 7/2003, là một trong 10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz hiện đại của hải quân Mỹ. Phương châm hoạt động của tàu là "Hòa bình thông qua sức mạnh", một thông điệp lớn được đưa ra từ thời cựu tổng thống mà con tàu lấy tên.
Được ví như một pháo đài bay trên biển, USS Ronald Reagan luôn trong tư thế sẵn sàng tác chiến với dàn máy bay chiến đấu và tàu hộ tống hiện đại nhất của Mỹ.
Mỗi khi thực hiện nhiệm vụ, USS Ronald Reagan mang trên mình khoảng 60 máy bay chiến đấu các loại, trong đó tiêm kích hạm F/A-18 Hornet, với khả năng tác chiến cơ động và linh hoạt, được ví như trái tim của cả đội bay. Phiên bản mới nhất của dòng máy bay này có giá lên tới 54 triệu USD mỗi chiếc.
F/A-18 Super Hornet dài hơn 18 m, sải cánh gần 13,7 m, có tốc độ tối đa hơn Mach 1,8 (2.200 km/h), được trang bị những thiết bị tác chiến điện tử hiện đại nhất mà hải quân Mỹ hiện có.
Ngoài F/A-18, tàu còn có 4 loại máy bay khác, trong đó có máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler chuyên gây nhiễu, phá sóng radar và thông tin liên lạc của đối phương. Nhiệm vụ chính của EA-6B Prowler là bảo vệ tàu mẹ và các máy bay khác chống lại các tên lửa dẫn đường bằng radar được phóng từ tàu chiến hoặc máy bay địch.
Để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, USS Ronald Reagan có 4 chiếc E-2C Hawkeye hiện đại. Bay ở độ cao 5800 m, E-2C Hawkeye có thể bao quát phạm vi bán kính 400 km từ bất cứ hướng nào. Hệ thống cảm biến của máy bay có thể định vị và theo dõi hơn 2000 mục tiêu.
Bên cạnh đó, đội bay của tàu USS Ronald Reagan còn có các máy bay SH-60 Seahawk thực hiện nhiệm vụ cứu hộ và các máy bay vận tải C-2 Greyhound có nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa và binh sĩ.
Dù được coi như một trong những sân bay chiến đấu di động lớn nhất thế giới, là một lãnh thổ nổi của Mỹ, nhưng do có kích cỡ lớn, USS Ronald Reagan cũng có nguy cơ trở thành mục tiêu khổng lồ cho các tên lửa diệt hạm của đối phương. Chính vì thế, tàu không thể độc lập tác chiến mà phải có một biên đội hộ tống gồm ít nhất 8 tàu chiến uy lực của hải quân Mỹ đi cùng.
Trong số các tàu hộ tống này nổi bật nhất là tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương lớp Ticonderoga hiện đại.
Tàu khu trục Arleigh Burke được coi là lực lượng xương sống của các hạm đội hải quân Mỹ, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Còn tàu tuần dương Ticonderoga được trang bị các tên lửa RIM-161 Standard Missile SM-3. Các tên lửa này kết hợp với hệ thống Aegis và Radar AN/SPY-1 có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên thượng tầng khí quyển với khoảng cách là 500 km và trên tầm cao đến 160 km.
Một thành phần không thể thiếu của cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan là tàu ngầm tấn công nhanh Los Angles, có nhiệm vụ tìm diệt tàu ngầm địch, bảo vệ tàu mẹ trước mọi nguy cơ tấn công bất ngờ từ lòng biển.
Bay ở bán kính trên 400 km, những chiếc F/A-18 Hornet bảo vệ USS Ronald Reagan từ những đe dọa ở mặt biển và trên không. Cùng lúc đó, những chiếc EA-6B Prowler sẽ làm nhiễu loạn rada đối phương để che mắt địch. Phối hợp với EA-6B Prowler là những máy bay E2C Hawkeye cảnh báo sớm với bán kính phủ hàng trăm km phát hiện tàu và máy bay địch.
Bên trong E2C Hawkeye, có ít nhất ba sỹ quan chọn ra các mục tiêu đáng ngờ từ radar rồi phát lại cho các phi đội F/A-18 Hornet và các tàu bảo vệ.
"Như một giàn nhạc giao hưởng, các thành phần của cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan đều phải hoạt động độc lập, trên cơ sở phối hợp tác chiến chặt chẽ. Đây là nguyên tắc để các lãnh thổ nổi của Mỹ duy trì vị thế thống trị trên các đại dương", Charel Martoglio, đội trưởng đội tàu bảo vệ USS Ronald Reagan, nhận định.
Xem thêm: Tàu sân bay - công cụ Mỹ răn đe Trung Quốc ở Biển Đông.
Nguyễn Hoàng