Chuyên gia quốc phòng Jose Antonio Custodio ngày 26/6 nhận định rằng nhóm phiến quân Maute thân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang cố thủ tại thành phố Marawi, miền nam Philippines đang áp dụng chiến thuật "pintakasi" để chống lại quân đội chính phủ, theo Phil Star.
Custodio giải thích rằng "pintakasi" là cách thức huy động lực lượng tập thể nhằm chống lại thế lực bên ngoài. Với chiến thuật này, phiến quân Maute có thể tăng đáng kể quân số nhờ các tay súng đến từ nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang khác trên đảo Mindanao.
Cuộc đụng độ ở Mamasapano năm 2015 là một ví dụ điển hình của chiến thuật này. Khi cảnh sát đặc nhiệm Philippines đấu súng với các thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, nhóm Chiến binh Tự do Hồi giáo Bangsamoro và các nhóm vũ trang bí mật khác đã nhanh chóng đến tham chiến, đẩy cảnh sát vào tình thế mắc kẹt.
Trong chiến dịch đang diễn ra ở Marawi, quân đội Philippines ban đầu ước tính phiến quân Maute có 50 tay súng chiếm giữ thành phố. Tuy nhiên, khi lính chính phủ tấn công vào thành phố, quân số cố thủ của phiến quân nhanh chóng tăng lên vài trăm người, do phiến quân sử dụng những mối liên hệ bộ tộc để tăng cường lực lượng.
"Chúng ta phải nhận thức rằng Marawi là địa điểm mà phiến quân có thể huy động thành viên khá nhanh. Thuật ngữ 'pintakasi' dùng trong trường hợp này là chính xác. Lực lượng phiến quân tăng lên rất nhanh khi chúng kêu gọi gia đình và đồng minh tham gia", Custodio phân tích.
Phiến quân Maute tấn công thiết giáp quân đội Philippines.
Giao tranh tại Marawi bắt đầu từ chiều 23/5, sau khi lực lượng an ninh Philippines đột kích một ngôi nhà để truy bắt thủ lĩnh nhóm phiến quân Abu Sayyaf. Phiến quân Maute ngay sau đó tung lực lượng tấn công Marawi, bắt cóc con tin, đốt phá các tòa nhà để đáp trả.
Quân đội Philippines ngày 25/6 dừng tấn công phiến quân trong 8 giờ để người dân thành phố ăn mừng kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo. Phiến quân Maute được cho là chỉ còn kiểm soát một phần nhỏ của thành phố Marawi.
Nguyễn Hoàng