Tiêm kích F-15 phóng tên lửa diệt vệ tinh ASAT-135
Lầu Năm Góc đang theo đuổi chiến lược chống lại việc quân sự hóa vũ trụ, cũng như đề phòng các cuộc tấn công nhằm vào mạng lưới vệ tinh quý giá của Mỹ, theo National Interest.
Quân đội Mỹ đã vạch ra kế hoạch phòng thủ không gian đa chiều sau nhiều năm phân tích và nghiên cứu. Trong báo cáo đánh giá chiến lược không gian (SSPR) năm 2015, không quân Mỹ chỉ ra hàng loạt vấn đề an ninh chủ chốt, làm nền tảng để quân đội nước này thay đổi chiến lược không gian.
Mục tiêu của chiến lược này là chuẩn bị sẵn sàng trước những công nghệ diệt vệ tinh trong môi trường tác chiến rủi ro cao. Không quân Mỹ quyết định đầu tư 5,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hoàn thành mục tiêu này.
Trung Quốc được cho là quốc gia gây lo ngại nhất cho Mỹ trong lĩnh vực vũ khí không gian. Bắc Kinh từng bắn thử tên lửa diệt vệ tinh (ASAT) mang tên mã SC-19 hồi năm 2007. Quả đạn phá hủy một vệ tinh thời tiết ngừng hoạt động của Trung Quốc, tạo ra hàng chục nghìn mảnh vỡ, phần lớn vẫn còn trong quỹ đạo, gây nguy hiểm cho các vệ tinh hoạt động trên không gian.
Dự án phòng thủ không gian và các biện pháp tác chiến là bí mật quân sự của Mỹ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng họ đang tìm cách phát triển mạng lưới khí tài bền vững hơn trên vũ trụ.
"Đa dạng hóa" và "phân tán" là các kỹ thuật được tập trung nhiều nhất. Chiến thuật "Đa dạng hóa" nhắm vào việc sử dụng nhiều vệ tinh, như hệ thống định vị vệ tinh (GPS) của Mỹ và Galileo của châu Âu, để đạt được cùng một mục tiêu. Hệ thống này vừa không dễ bị tiêu diệt, vừa cho phép quân đội Mỹ sử dụng phương tiện của đồng minh trong trường hợp vệ tinh của Mỹ bị ngừng hoạt động hoặc phá hủy hoàn toàn.
Dự án X-37B nằm trong tham vọng tác chiến không gian của Mỹ
Trong khi đó, chiến thuật "Phân tán" sẽ dàn trải các vệ tinh, tăng cường khả năng sống sót và tác chiến ngay cả khi một số chiếc bị vũ khí đối phương phá hủy. Chiến thuật nghi binh cũng được dùng để đối phương không thể biết nhiệm vụ cụ thể của từng vệ tinh.
Nhiều hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ như bom thông minh JDAM, mạng lưới thông tin liên lạc, máy bay không người lái và nhiều khí tài khác đang phụ thuộc rất lớn vào công nghệ GPS do vệ tinh cung cấp. Điều này buộc quân đội Mỹ phát triển những hệ thống định vị và chỉ thị mục tiêu trong môi trường bị chế áp GPS, chuyên gia Kris Osborn kết luận.
Hòa Việt