Kể từ Thế chiến II, không quân đóng vai trò quan trọng trong lực lượng quân sự của bất cứ quốc gia nào, và việc chiếm lĩnh bầu trời luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu trong bất cứ cuộc xung đột quân sự nào.
Theo National Interest, từ nay đến năm 2030, ưu thế tuyệt đối trên bầu trời vẫn thuộc về các lực lượng truyền thống như Mỹ, Nga, Israel và Anh, trong khi không quân Trung Quốc sẽ trỗi dậy như một đối thủ đáng gờm.
Không quân Mỹ
Quân đội Mỹ có ba lực lượng không quân gồm không quân, không quân của hải quân và không quân của thủy quân lục chiến. Cho tới năm 2030, đây vẫn sẽ là lực lượng không quân mạnh nhất thế giới.
Khi đó, không quân Mỹ (USAF) vẫn sử dụng 187 tiêm kích tàng hình F-22 Raptor cùng 178 tiêm kích F-15C với những gói nâng cấp radar và cảm biến hồng ngoại quan trọng. Lực lượng này cũng mua thêm 1.763 tiêm kích đa nhiệm F-35A để thay thế tiêm kích F-16C và cường kích A-10.
Ngoài ra, USAF cũng được trang bị khoảng 100 máy bay tiếp liệu trên không KC-46 Pegasus mới, trong khi oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 5 B-21 sẽ bắt đầu được sản xuất với số lượng khoảng 100 chiếc theo đơn đặt hàng.
Hải quân Mỹ trong thời gian tới sẽ được trang bị đại trà tiêm kích hạm F-35C và F/A-18E/F. Máy bay không người lái thực hiện các nhiệm vụ thu thập tình báo, trinh sát, giám sát (ISR) và tiếp liệu trên không MQ-25 Stingray được biên chế sẽ giúp tăng phạm vi hoạt động cho các chiến đấu cơ có người lái, trong khi trực thăng lai V-22 Osprey sẽ đảm nhận nhiệm vụ tiếp tế và liên lạc cho các tàu sân bay trên biển.
Đến năm 2030, thủy quân lục chiến Mỹ cũng sở hữu một phi đội tiêm kích F-35 đầy đủ với các biến thể cất hạ cánh thẳng đứng F-35B và biến thể tiêm kích hạm F-35C.
Không quân Trung Quốc
Trước đây, quân đội Trung Quốc chỉ ưu tiên phát triển lục quân, còn không quân và hải quân chưa được chú trọng đúng mức. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên kế hoạch cải tổ quân đội nhằm tăng cường khả năng tác chiến ở những khu vực xa xôi, không quân Trung Quốc đã được đầu từ mạnh mẽ và có những bước phát triển lớn.
Lực lượng không quân (PLAAF) và không quân của hải quân (PLANAF) Trung Quốc đang ở thời kỳ đỉnh cao sức mạnh. Về tổng thể, số lượng máy bay của không quân Trung Quốc đang suy giảm nhưng bù lại, chất lượng chiến đấu cơ thế hệ 4+ như Su-30, J-11, J-15 và J-10 lại đang tăng lên. Để bắt kịp Mỹ và các cường quốc khác, Trung Quốc đang đầu tư để tự phát triển các tiêm kích thế hệ 5 như J-20 và J-31.
Ngoài các chiến đấu cơ, PLAAF đang vận hành vận tải cơ tầm xa nội địa đầu tiên Y-20, có thể vươn tới bất cứ nơi nào trên thế giới vào năm 2030. Trung Quốc cũng đang tăng cường số lượng và chất lượng các máy bay hỗ trợ như máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp liệu trên không.
Để phục vụ toan tính chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng cường cả về số lượng và chất lượng các máy bay thu thập tình báo, trinh sát và giám sát, đặc biệt là máy bay không người lái như Thần Điêu.
Không quân Nga
Năm 2030, Nga sẽ có lực lượng không quân mạnh thứ hai thế giới sau Mỹ nếu như nền kinh tế của họ phục hồi, giá dầu và hàng hóa xuất khẩu tăng và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp cấm vận.
Không quân Nga có hai chương trình phát triển quan trọng nhất là dự án chế tạo tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA và oanh tạc cơ chiến lược thế hệ 5 PAK-DA. Tiêm kích PAK-FA hay T-50, được đánh giá có uy lực sánh ngang tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ, sẽ giúp Nga giảm bớt sự phụ thuộc vào các tiêm kích thế hệ cũ như Mig-29, Su-27/30/34.
Còn oanh tạc cơ chiến lược PAK-DA với khả năng tàng hình, vận tốc cận âm và mang bom hạt nhân sẽ thay thế các oanh tạc cơ đang dần lạc hậu như “Thiên nga trắng” Tu-160 Blackjack và “sát thủ diệt tàu sân bay” Tu-22M Backfire.
Tuy nhiên, nếu trong 15 năm tới kinh tế Nga tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cấm vận, ngân sách quốc phòng khiêm tốn, nạn quan liêu và tham nhũng, nhiều khả năng Nga chỉ còn đứng trong top 10 không quân mạnh nhất vào năm 2030.
Không quân Israel
Hiện nay, không quân Israel sở hữu 58 tiêm kích ưu thế trên không F-15A/C, 25 tiêm kích tấn công F-15I và 312 tiêm kích đa nhiệm F-16. Năm 2030, đây sẽ tiếp tục là lực lượng không quân mạnh và đáng gờm nhất khu vực Trung Đông.
Đến năm 2030, các tiêm kích F-15 của nước này sẽ đạt tuổi thọ 40 năm hoặc hơn và cần được thay thế. Do chương trình thay thế trực tiếp F-15C đã chấm dứt cùng với dự án sản xuất tiêm kích F-22 hồi 2011 nên Israel sẽ phải tăng tuổi thọ cho các tiêm kích này hoặc chuyển giao nhiệm vụ của chúng cho tiêm kích đa nhiệm F-35, ít ra là cho đến khi Mỹ phát triển thành công và sản xuất tiêm kích thế hệ 6.
Israel hiện có kế hoạch xây dựng hai phi đội F-35 vào năm 2021, tiến tới mục tiêu ba phi đội F-35 vào năm 2030, với tổng số hơn 200 chiếc. Nhiều khả năng phi đội chiến đấu cơ của nước này sẽ được bổ sung thêm các máy bay không người lái tối tân có thể thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ như tình báo, trinh sát, giám sát, chế áp phòng không và tiếp liệu trên không.
Không quân Anh
Năm 2030, không quân và không quân của hải quân Hoàng gia Anh sẽ đạt sức mạnh cao nhất trong nhiều thập kỷ, với gần 300 chiến đấu cơ và có thể là lực lượng không quân đông đảo nhất ở Tây Âu.
Trong số này có khoảng 160 tiêm kích chiếm ưu thế trên không Eurofighter Typhoon, được trang bị thêm các loại bom dẫn đường bằng laser và tên lửa Brimstone. Máy bay không người lái tàng hình tối mật trong chương trình Taranis sẽ được triển khai vào năm 2030 để sát cánh cùng các chiến đấu cơ có người lái của nước này.
Các tiêm kích bom Panavia Tornado GR4 sẽ được cho nghỉ hưu và thay thế bằng 138 tiêm kích đa nhiệm phiên bản cất/hạ cánh thẳng đứng F-35B. Các chiến đấu cơ này sẽ được biên chế cho không quân hoàng gia và hải quân hoàng gia Anh cũng như được trang bị cho các tàu sân bay thế hệ mới HMS Qeen Elizabeth và HMS Princes of Wales.
Xem thêm: 5 lục quân mạnh nhất thế giới đến năm 2030
Duy Sơn