"Ngay khi có cơ hội đi đến một nơi khác, chắc chắn ông ấy sẽ đi", tổng thống Nga nói trong lần trả lời công khai đầu tiên kể từ khi Snowden yêu cầu gặp một số nhà hoạt động nhân quyền và luật sư hôm 12/7 tại sân bay Sheremetyevo.
Ông Putin chỉ trích Washington ngăn chặn Snowden rời khỏi Nga bằng cách tước hộ chiếu, sau khi cựu nhân viên tình báo từ Hong Kong đến Moscow hôm 23/6.
"Ông ấy không được mời đến lãnh thổ của chúng tôi, ông ấy đang nối chuyến để đến các quốc gia khác. Nhưng ngay khi ông ấy vừa lên máy bay thì đối tác Mỹ về cơ bản là ngăn chặn ông ấy thực hiện thêm chuyến bay tiếp theo", ông Putin phát biểu trên truyền hình.
Snowden đã làm thủ tục trên chuyến bay từ Moscow tới Havana, Cuba hôm 24/6 nhưng không lên máy bay.
"Họ đã dọa các nước khác, nên không nước nào dám tiếp nhận ông ấy, do đó về cơ bản là chính họ đã nhốt ông ấy trên lãnh thổ của chúng tôi", Tổng thống Putin cho hay.
Khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với Snowden, ông Putin nói: "Làm sao tôi biết được? Đó là cuộc đời ông ấy, số phận của ông ấy".
Trong cuộc gặp với các nhà hoạt động hôm 12/7, Snowden nói muốn xin tị nạn ở Nga trong khi chờ đợi để bay đến Mỹ Latin. Ông Putin không cho biết liệu ông có cấp quyền tị nạn cho kẻ chạy trốn nổi tiếng nhất thế giới hay không và nếu có thì bao giờ cấp.
Hồi đầu tháng, Putin nói Snowden có thể đệ đơn xin tị nạn ở Nga nếu dừng việc tiết lộ thông tin mật. Điều kiện này khiến Snowden rút lại đơn, tuy nhiên trong cuộc gặp tuần trước, Snowden hứa sẽ không gây nguy hại cho lợi ích của nước Mỹ trong tương lai.
"Theo tuyên bố mới nhất của ông ấy, ông ấy đã thay đổi quan điểm, nhưng tình hình vẫn chưa thật sự rõ ràng", Putin cho hay.
Cơ quan Nhập cư Liên bang Nga hôm qua cho biết chưa nhận được đơn xin tị nạn của Snowden.
Tổng thống Nga Putin, người sẽ chủ trì cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Moscow trong khuôn khổ hội nghị G20 tại Saint Petersburg vào đầu tháng 9, nhắc lại rằng Nga không muốn vụ việc của Snowden làm ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Mỹ.
Putin cho biết các quan chức Nga đã nói với Snowden rằng Nga "có quan hệ gắn bó với Mỹ. Chúng tôi không muốn vì các hoạt động của ông mà làm hỏng quan hệ của chúng tôi với Mỹ".
Snowden đã mắc kẹt tại sân bay của Nga trong 3 tuần qua. Một dấu hiệu cho thấy Moscow có thể xem xét nghiêm túc đơn tị nạn của Snowden khi người phát ngôn của Hạ viện Nga, Sergei Naryshkin, hôm 12/7 phát biểu rằng Snowden có thể nộp đơn tị nạn tạm thời hoặc tị nạn chính trị.
Đơn xin tị nạn chính trị do điện Kremlin xem xét và quyền tị nạn do tổng thống ban hành.
Các nhà quan sát cho hay trong cuộc gặp hôm 12/7 của Snowden không bao gồm những thành phần gây khó chịu cho ông Putin, ví dụ như những nhà hoạt động cánh hữu hay các nhà vận động của Nga về vấn đề tị nạn. Tuy nhiên, trong số những người được mời đến lại bao gồm cả các nhân vật như Vyacheslav Nikonov, nghị sĩ đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền, người mà dường như không biết Snowden là ai cho đến khi Snowden đến Nga.
Washington đã phản ứng mạnh mẽ trước khả năng Moscow có thể cung cấp chốn dung thân an toàn cho Snowden và chỉ trích Nga cho Snowden một "diễn đàn để tuyên truyền" thông qua cuộc gặp ngày 12/7.
Vũ Hà