Suốt nhiều tháng qua, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh vào quỹ đạo, Hàn Quốc liên tục tỏ ý muốn Mỹ điều động Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tới bán đảo Triều Tiên nhằm đối phó với những mối đe dọa từ nước láng giềng. Đây cũng là chủ đề khiến dư luận thế giới tốn không ít giấy mực bởi nó được coi như một nguyên nhân khiến Bắc Kinh và Seoul bất hòa, theo The Diplomat.
Trung Quốc cuối tháng trước kêu gọi Hàn Quốc suy nghĩ lại về quyết định cho phép đưa hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đến nước này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 25/2 nhấn mạnh Bắc Kinh rất lo ngại về việc Mỹ bố trí tại Hàn Quốc radar băng tần X và THAAD, có phạm vi hoạt động vượt xa bán đảo Triều Tiên, đi cả vào Trung Quốc. Theo ông, việc triển khai này có thể gây nguy hại cho "lợi ích an ninh quốc gia chính đáng của Trung Quốc".
Vậy THAAD là gì? Sức mạnh của nó đến đâu? Và vì sao Trung Quốc lại tỏ ra cảnh giác như vậy đối với hệ thống này?
THAAD là một công cụ đánh chặn/chống tên lửa đạn đạo mới bổ sung trong kho vũ khí của quân đội Mỹ. Nó bắt đầu được chính thức sản xuất vào năm 2008 và chủ yếu đảm nhận trọng trách giải trừ những mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung.
Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và hai trung tâm hoạt động chiến thuật TOC ("Trái tim" của mỗi trung tâm là hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735).
AN/TPY-2 là một radar mảng pha hoạt động ở băng tần X, phát hiện các mối nguy hiểm ở cự ly tối đa 1.000 km. Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu. Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Hệ thống dữ liệu chiến đấu sau đó sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn.
THAAD trang bị công nghệ đánh chặn "truy đuổi - tiêu diệt" (hit-to-kill). Tên lửa diệt mục tiêu có chiều dài 6,17 m, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector, ngăn chặn mục tiêu ở cự ly từ 150 - 200 km, tầm cao 25 km.
Theo quan sát viên Ankit Panda từ The Diplomat, thứ khiến Trung Quốc lo âu nằm ở chính năng lực giám sát diện rộng của THAAD.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia Rod Lyon đánh giá Bắc Kinh có lý do khi lo lắng trước nguy cơ những dữ liệu giám sát của THAAD sẽ bị lưu chuyển giữa các hệ thống phòng không khác giữ nhiệm vụ bảo vệ lục địa Mỹ.
Thực tế, một trong những sứ mệnh quan trọng của THAAD là củng cố lá chắn phòng thủ Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo có thể xảy ra trong tương lại từ Triều Tiên. Vì thế, nó chắc chắn phải có khả năng trao đổi dữ liệu với radar cũng như các phương tiện đánh chặn khác.
Nhưng Washington hiện triển khai một khẩu đội THAAD tới Guam, hai radar AN/TPY-2 đến Nhật Bản, nhiều cơ sở không gian cùng hàng loạt radar chống tàu, radar mặt đất tại Thái Bình Dương. Vậy sự xuất hiện của THAAD ở Hàn Quốc liệu có mang nhiều ý nghĩa? Theo Lyon, với một hệ thống THAAD trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ theo dõi và phát hiện được sớm tên lửa Trung Quốc, tùy thuộc vào vị trí phóng của chúng.
Bên cạnh đó, từ quan điểm của Trung Quốc, nước này ắt hẳn sẽ cảm thấy bất an bởi sự xuất hiện của THAAD còn tiềm ẩn nguy cơ làm thay đổi cán cân chiến lược ở khu vực theo hướng có lợi cho Mỹ, ông Panda nhận định.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn tới việc xây dựng năng lực cảnh báo hạt nhân sớm, giới quan sát đánh giá, sự hiện diện của THAAD và radar AN/TPY-2 trong khu vực còn gây ảnh hưởng tới khả năng đáp trả hạt nhân của Bắc Kinh trước Washington. Song, theo Lyon khác biệt mà THAAD tạo ra là không lớn khi mà Mỹ đã bố trí một số radar AN/TPY-2 trên đất Nhật Bản.
Trung Quốc quả thực có những nguyên nhân nhất định khi tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh Mỹ triển khai THAAD đến Hàn Quốc, chuyên gia Panda nhận xét. Nhưng ông phân vân rằng liệu các tác động đối với an ninh mà Trung Quốc quan ngại có đáng kể không nếu so với những thiệt hại mà Bắc Kinh phải chịu khi làm rạn nứt mối quan hệ đang phát triển theo chiều hướng tích cực với Seoul. Với sự xuất hiện của THAAD, lá chắn phòng vệ của Hàn Quốc sẽ được gia cố chắc chắn hơn. Tên lửa Toksa, SCUD hay No Dong phóng từ Triều Tiên sẽ không còn là những mối đe dọa quá lớn đối với nước này.
Vũ Hoàng