Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Lassen của Mỹ hôm 27/10 di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013. Trung Quốc cử một tàu khu trục và một tàu tuần tra quốc phòng bám theo.
"Việc Mỹ điều tàu đến tuần tra sát các đảo do Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa là vì lợi ích cũng như uy tín của nước này. Quan chức các cấp của Washington đã nói đến hoạt động tuần tra từ tháng 5, càng trì hoãn thì càng ảnh hưởng tới việc nói không đi đôi với làm", Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, trao đổi với VnExpress.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông, cho rằng đến nay rõ ràng Mỹ buộc phải hành động mạnh mẽ hơn. Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa đã phá vỡ niềm tin của các quốc gia, kể cả Mỹ. Nếu Washington chỉ "nói suông" thì vai trò của họ sẽ mờ nhạt. Hai đảng của Mỹ đều gây sức ép với chính phủ. Thượng nghị sĩ John McCain trên trang web của mình đã hoan nghênh việc tuần tra và cho rằng việc này cần thực hiện sớm hơn.
Tiến sĩ Thủy lưu ý đến thực tế là Trung Quốc đã cử tàu khu trục và và tàu tuần tra quốc phòng bám sát tàu Mỹ, cảnh báo là chính chứ không cản phá.
"Điều đó cho thấy Trung Quốc đã có sự chuẩn bị phương án kỹ, dùng tàu khu trục tên lửa Lan Châu, một trong những tàu hiện đại, mạnh nhất của Trung Quốc, vừa để phô trương sức mạnh với Mỹ, vừa tuyên truyền trong nước về quyết tâm của hải quân", ông Thủy nói.
Việc Trung Quốc dùng tàu hải quân, thay vì tàu chấp pháp dân sự hoặc tàu cá cũng để tránh va chạm dẫn đến đụng độ vì hải quân các nước quen thuộc với Bộ Quy tắc chống va chạm trên biển (CUES). Hải quân cũng sẽ hành động thận trọng hơn, ông Thủy phân tích.
Các tàu chấp pháp dân sự của Trung Quốc từng có những vụ đối mặt với tàu các nước khác. Tháng 3/2009, năm con tàu dân sự của Trung Quốc áp sát tàu nghiên cứu Impeceable của Mỹ trên Biển Đông, thậm chí một tàu của Trung Quốc chỉ cách tàu Mỹ khoảng 7,5 mét.
Theo ông Thủy, trong bối cảnh Mỹ - Trung, hai cường quốc vừa cạnh tranh vừa hợp tác, Washington dùng các hoạt động tuần tra, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn không cho Bắc Kinh dùng các đảo nhân tạo này đòi kiểm soát vùng 12 hải lý xung quanh, là một cách gián tiếp bác bỏ bất cứ yêu sách chủ quyền nào của Bắc Kinh đối với đảo nhân tạo. Các quan chức Trung Quốc, trong khi đó, vẫn khẳng định sẽ "ngăn cản bất cứ nước nào" vi phạm cái mà họ gọi là "lãnh hải" ở Trường Sa.
Khó xảy ra xung đột
Tuy căng thẳng lên cao, xung đột trên Biển Đông khó có nguy cơ xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Thủy nhận định. Ông cho rằng đây là cuộc đấu truyền thông điệp của hai phía, Mỹ đã chuẩn bị dư luận kỹ lưỡng trong khi Trung Quốc phản ứng có mức độ, cho thấy hai bên đều có nhu cầu trong việc tránh đụng độ.
"Cả hai đều muốn tránh các va chạm nhỏ leo thang thành xung đột. Nội bộ Trung Quốc hiện có nhiều tiếng nói cho rằng chính phủ phản ứng quá yếu, điều này có thể tạo ra sức ép nội bộ, buộc Trung Quốc có thể phải phản ứng mạnh hơn ở các lần sau", ông Thủy nói.
Biển Đông vốn là vấn đề nổi cộm trong quan hệ Trung - Mỹ, nay có thêm yếu tố mới là tranh cãi về tàu chiến đi gần các thực thể. Hệ quả của việc Mỹ điều tàu tuần tra đối với Trung Quốc chưa rõ ràng. Theo ông Thủy, Bắc Kinh sẽ không vì thế mà dừng hoạt động xây dựng phi pháp trên các bãi đá.
Tuy nhiên các hoạt động tuần tra và khẳng định tự do hàng hải này sẽ khiến Trung Quốc phải điều chỉnh các tuyên bố và yêu sách cho phù hợp với Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.
"Trung Quốc sẽ phải căn cứ theo luật khi đưa ra các tuyên bố ở Biển Đông thời gian tới", ông Thủy nói.
Việt Anh