Sáng 15/12, Man Haron Monis, một kẻ Hồi giáo cực đoan gốc Iran, đã tiến vào quán cafe Lindt ở Sydney, bắt giữ 17 người trong quán làm con tin. Vụ bắt giữ căng thẳng kéo dài hơn 16 tiếng và chỉ kết thúc khi có tiếng súng phát ra từ bên trong quán vào hơn 2 h sáng ngày 16/12, khiến lực lượng an ninh phải xông vào giải cứu các con tin. Hai con tin thiệt mạng, kẻ bắt cóc bị tiêu diệt.
Trong suốt hơn 16 tiếng cố thủ bên trong Lindt, Man Haron Monis được cho là đã dùng các con tin làm "lá chắn sống" bên cửa kính của quán, nhằm tránh các tay thiện xạ của lực lượng cảnh sát Sydney. Nhưng cũng không ít lần, kẻ bắt cóc con tin xuất hiện trước cửa kính một mình.
"Nhiều minh chứng trong quá khứ cho thấy, thời gian và các cuộc đàm phán thật sự có thể giải quyết vấn đề", Sydney Morning Herald (SMH) dẫn lời cựu sĩ quan cảnh sát giấu tên nói.
"Mục tiêu đề ra là thương thuyết và cố gắng khiến hắn (kẻ bắt cóc) bị ảnh hưởng". "Việc đàm phán diễn ra càng lâu thì càng có nhiều cơ hội. Những bằng chứng trong nhiều thập kỷ nay chứng minh đó là cách hữu hiệu nhất", ông cho biết. "Không may là ở trường hợp này rủi ro gia tăng nhanh chóng và quá bất ngờ".
Theo ông, các cảnh sát tham gia vào nhiệm vụ giải cứu con tin ở quán cafe Lindt đều được huấn luyện kỹ càng, "rất có kỷ luật", và là những lựa chọn tốt nhất. Họ đã lên sẵn một số phương án dự phòng ngay sau khi vụ việc diễn ra.
"Từ những gì được chứng kiến, tôi nghĩ kế hoạch đột kích nhất định phải được thực hiện. Rõ ràng họ đưa ra quyết định bởi tình huống bất ngờ đã xảy đến", cựu sĩ quan cảnh sát nhấn mạnh. "Đó chính là do tiếng súng, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa mạng sống của các con tin". Nếu thật sự tay súng có ý định bắn chết con tin, lực lượng cảnh sát không còn lựa chọn nào khác hơn là xông vào quán, ông đánh giá.
Khi được hỏi về các kịch bản khác, trong đó bao gồm cả việc liệu cảnh sát có thể xâm nhập vào trong thông qua mái nhà và kết thúc vụ việc sớm hơn không, ông cho rằng điều này hoàn toàn "phụ thuộc vào cách thức tiếp cận". Nhiều khả năng cảnh sát cũng đã lên kế hoạch bí mật xâm nhập, thông qua lối thoát hiểm hoặc cửa sau.
Clive Small, cựu phụ tá ủy viên hội đồng New South Wales (NSW), phân tích, việc tiếp cận qua mái nhà sẽ gây ra "những tiếng động lách cách" và đó không phải là một lựa chọn khôn ngoan. "Bạn có thể sẽ bị phát hiện trong khi không ở vào tình thế có thể bắn trả tay súng bởi bạn không nắm rõ vị trí của các con tin", Small nhận xét.
Cả hai chuyên gia đều tỏ ra nghi hoặc về khả năng kẻ bắt cóc có thể bị hạ gục bằng cách bắn tỉa từ bên ngoài xuyên qua các ô cửa sổ. Dường như kẻ bắt cóc xuất hiện từ rất sớm, trước khi các xạ thủ vào vị trí và trước cả khi cảnh sát nắm được các thông tin quan trọng, ví dụ như có bao nhiêu tay súng bên trong quán. "Đó là một hành động rất nguy hiểm, bạn không thể biết viên đạn đi như thế nào một khi nó xuyên qua tấm kính", cựu sĩ quan cảnh sát cho hay.
Thông tin từ những con tin trốn thoát trước đó cùng với những âm thanh thu được trong thiết bị ghi âm cũng sẽ ảnh hưởng tới tính toán của lực lượng cảnh sát. Theo ông Small, điểm đáng chú ý là tay súng đã lâm vào tình thế "không còn lối thoát". "Rõ ràng hắn không có một kế hoạch nào để thoát thân an toàn".
Ông Ken McKay, người từng phục vụ 35 năm trong ngành an ninh, lãnh đạo đội chống tội phạm có tổ chức vùng Trung Đông đầu tiên của NSW, cho biết, chiến thuật của lực lượng cảnh sát là "chờ đợi" và kiểm soát diễn biến bên trong quán thông qua quan sát và đàm phán.
"Mục tiêu chính là đảm bảo tất cả mọi người ra ngoài an toàn, ở môt số trường hợp còn bao gồm cả tên bắt cóc", SMH dẫn lời McKay nói. Nhưng ông cũng thêm rằng khi bất ngờ có tiếng súng nổ bên trong quán cafe, "tình thế lập tức đảo lộn". "Trong khoảnh khắc đó, khi cảnh sát buộc phải quyết định đi từ kiềm chế để đàm phán tới tấn công, tất cả mọi thứ thay đổi, rủi ro vì thế cũng tăng theo".
Vũ Hoàng (theo SMH)