IS hôm 20/1 tung ra một đoạn video thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Trong video, một chiến binh trùm kín mặt dọa giết hai con tin Nhật Bản trừ khi nhận được khoản tiền chuộc 200 triệu USD và phải được thanh toán trong vòng 72 giờ. Khác với những video trước đó, lần này nhóm cực đoan công khai đòi tiền chuộc để đổi lấy mạng sống của con tin.
Khi lần đầu tiên đăng video đe dọa sát hại nhà báo James Foley tháng 8/2014, IS tuyên bố công khai anh sẽ bị hành quyết nếu Mỹ không dừng chiến dịch không kích, tuy nhiên, chúng lại bí mật đòi chính phủ Mỹ trả khoản tiền chuộc 100 triệu USD. Mỹ từ chối trả tiền chuộc, kiên quyết giữ nguyên chính sách không đàm phán với khủng bố.
Trong 4 video hành quyết hai người Mỹ Steven Sotloff và Peter Kassig, hai con tin Anh David Haines và Alan Henning, những kẻ khủng bố không hề đề cập đến tiền chuộc.
Cạnh tranh ảnh hưởng
Theo Eugenio Lilli, nghiên cứu sinh tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng, King's College London, muốn hiểu bước đi mới của IS, cần phải đặt nó vào cuộc cạnh tranh ảnh hưởng trong cộng đồng jihad, chủ yếu giữa IS và al-Qaeda. Cả hai tổ chức cực đoan đều chứng minh chúng sử dụng rất hiệu quả mạng xã hội để tuyển mộ và khai thác sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Kể từ năm 2013, IS và al-Qaeda đã "kèn cựa" hòng qua mặt nhau. Phần thưởng của cuộc cạnh tranh đó là "ngôi vị" lãnh đạo độc tôn của phong trào jihad.
Trong cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng này, việc IS đòi một khoản tiền chuộc lớn có thể được hiểu là sự leo thang của cuộc chiến tuyên truyền, sau khi al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) đứng ra nhận trách nhiệm về vụ các tay súng Hồi giáo hôm 7/1 tấn công tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở Paris, khiến 12 người thiệt mạng.
Trong khi cuộc tấn công vào Charlie Hebdo có thể giúp al-Qaeda khuếch trương "thanh thế", công khai ra yêu sách đòi tiền chuộc có thể là chiến lược mới của IS nhằm trở lại vị trí tâm điểm của truyền thông và lấy lại ảnh hưởng trong cộng đồng jihad, ông Lilli nhận định trong một bài viết trên Telegraph.
"Thiếu tiền"
Meg Wagner, cây bút của NYDailyNews cho rằng việc công khai đòi tiền chuộc có thể là dấu hiệu cho thấy nhóm cực đoan đang gặp khó khăn về tiền bạc.
Các chiến binh IS, vốn khét tiếng về bạo lực và tàn nhẫn, gần đây thả khoảng 200 con tin người Yazidi, phần lớn là người già. Động thái này có thể không xuất phát từ lòng từ bi. Các quan chức Iraq cho rằng IS có thể đang thiếu tiền và chỉ đơn giản là không muốn phải tiêu tốn chi phí nuôi và giam giữ tù nhân.
IS kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq. Chúng thu lợi nhờ bán dầu thô qua chợ đen. David Cohen, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 10/2014 cho biết IS kiếm được một triệu USD một ngày bằng cách bán dầu thô từ các mỏ dầu nhóm này chiếm dụng khi chúng càn quét các vùng ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, nguồn thu nhập của chúng hiện giờ có thể đã suy giảm. Giá dầu thế giới giảm hơn một nửa so với tháng 6 năm ngoái, xuống mức 50 USD/ thùng. Các cuộc không kích của Mỹ vào các mỏ dầu chúng chiếm tại Syria và Iraq có thể đã làm giảm sản lượng dầu của nhóm.
Đây có thể là nguyên nhân khiến IS phải chuyển qua hình thức kiếm tiền khác, đó là bắt cóc đòi tiền chuộc, một phương thức kiếm tiền chóng vánh của các tổ chức khủng bố. CBS News hồi tháng 8 đưa tin một công ty Thụy Điển phải trả hơn 70.000 USD để cứu một nhân viên bị IS bắt cóc.
Trong 5 năm qua, các tổ chức cực đoan ở Trung Đông gồm IS và các nhóm khác thu về khoảng 125 triệu USD nhờ các vụ bắt cóc, New York Times hồi tháng 8 đưa tin. Những khoản tiền này đến chủ yếu từ các nước châu Âu, nơi chính quyền có chính sách linh hoạt hơn về việc đàm phán với khủng bố.
Điểm yếu chí mạng
Tuy nhiên, IS chưa hẳn đã thật sự thiếu tiền vì chúng còn nhiều nguồn thu khác. Kể từ khi tuyên bố thành lập nhà nước, nhóm này tự ý áp đặt một số loại thuế, gồm cả đánh thuế xe tải đi qua đường cao tốc chính của khu vực.
Trong các vùng do chúng kiểm soát, những người không theo đạo Hồi bị chúng ra yêu sách, bắt phải trả phí "bảo kê" gọi là jizya. Ngoài ra, IS còn có nguồn thu từ nông nghiệp, điện, bông, nước, và bán cổ vật đánh cắp trên chợ đen.
Shiraz Maher, một chuyên gia về IS tại King's College London cho rằng với yêu sách mới nhất, IS muốn được công nhận là một quốc gia, đúng với tên gọi "nhà nước Hồi giáo" mà chúng tự xưng.
"Chúng giữ các con tin để thương lượng đòi tiền chuộc với chính quyền một số nước", ông Maher nói. "Việc đó không chỉ cho IS nguồn tài chính cần thiết mà còn là một sự xác nhận rằng, 'đúng vậy, chúng ta là một nhà nước, chúng ta tổ chức các cuộc gặp mặt và đàm phán với các quốc gia và lãnh đạo các nước khác'".
Cây bút Sam Kiley của Sky News nhận định đây chính là điểm yếu chí mạng của IS.
Theo Kiley, rất khó để triệt hạ al-Qaeda vì nhóm này nhấn mạnh vào hệ tư tưởng. Nhóm có nhiều chi nhánh và đang chơi một ván bài dài. Các chiến binh và những kẻ ủng hộ al-Qaeda mơ về sự trở lại của một đế chế Hồi giáo, kéo dài từ Tây Ban Nha đến Ba Tư, tuy nhiên, đây vẫn là một ý tưởng còn khá xa vời.
Trong khi đó, IS lại muốn có "thiên đường của riêng chúng trên mặt đất" ngay lập tức. Nhóm này tuyên bố chúng là một nhà nước và đúc đồng tiền riêng. Chúng còn có dịch vụ y tế và trường học. Để thực hiện được những điều này, chúng cần rất nhiều tiền và thương vụ làm ăn.
"IS muốn là một nhà nước thật sự hiện hữu, chứ không phải là một khái niệm hoặc tư tưởng. Điều này có nghĩa là chúng có thể bị tìm thấy và phá hủy", Kiley viết. "Và chúng sắp thêm Nhật Bản vào danh sách những quốc gia thực sự muốn diệt trừ chúng".
Phương Vũ