Al-Hayat Media Center, cơ quan truyền thông của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), hôm 6/12 tung lên mạng một bài hát bằng tiếng Trung nhằm mục đích tuyên truyền, chiêu dụ thành viên tại Trung Quốc tham gia cuộc chiến ở Syria, Iraq cùng một số nơi khác.
Với thời lượng 4 phút, lời lẽ bài hát sặc mùi kêu gọi tấn công khủng bố như "hãy đứng lên cầm vũ khí phản kháng" hay "chết trên sa trường là ước mơ của chúng ta".
Theo bình luận viên Mathilde Golla của tờ Figaro, đây tiếp tục là một động thái tuyên truyền nhằm phô trương thanh thế và củng cố uy tín của phiến quân IS. Nhóm hiện có nhiều bài hát và "diễn văn tuyên truyền" bằng các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha...Tuy nhiên, chúng vẫn chưa ban hành bất kỳ tài liệu hay văn bản nào bằng tiếng Trung Quốc - ngôn ngữ có số lượng người nói nhiều nhất trên thế giới.
Giới phân tích nhận định việc lần đầu tiên xuất bản một bài hát bằng tiếng Trung sẽ giúp IS khẳng định khả năng cũng như sự đa dạng về tri thức của bộ máy tuyên truyền hay sâu xa hơn là "tầng lớp lãnh đạo". Theo đó, chúng dường như muốn khẳng định rằng "đội ngũ lãnh đạo" IS hiện nay có tiềm lực tài chính, quân sự, đủ khả năng để thiết lập một bộ máy ngoại giao của một nhà nước đúng nghĩa.
Chuyên gia về khủng bố Romain Caillet từ Viện Nghiên cứu và Chiến lược Pháp cho rằng thông qua việc tung video tuyên truyền bằng tiếng Trung, IS muốn nhấn mạnh tới sự hiện diện của các phần tử cực đoan người Trung Quốc trong hàng ngũ của chúng. Không những thế, các chiến binh này còn giữ vị trí then chốt trong bộ máy tuyên truyền, một cơ quan rất quan trọng đối với chiến lược thành lập đế chế Hồi giáo của IS.
"IS từng tuyên bố rằng chúng sẽ xuất hiện và hoạt động ở khắp mọi nơi trên thế giới, và bây giờ chúng đang muốn chứng minh điều đó", ông Caillet nhận xét.
"Đây chỉ là bước đi đầu tiên của phiến quân nhằm thực thi chiến lược phô trương thanh thế ở châu Á. Bước tiếp theo, chúng chắc chắn sẽ xuất bản hẳn một tạp chí bằng tiếng Trung Quốc phổ thông nhằm tuyên truyền về đường lối cũng như mô hình tổ chức nhà nước Hồi giáo", bình luận viên Golla đánh giá.
Lời cảnh báo
Theo Caillet, hành động này cũng đồng thời như một lời cảnh bảo gửi đến chính quyền Trung Quốc vì những chính sách và tuyên bố chống IS mà họ đưa ra thời gian qua. Mặc dù không trực tiếp tham gia cùng Nga trong chiến dịch không kích tại Syria, nhưng trên trường quốc tế, lãnh đạo Trung Quốc luôn khẳng định lập trường ủng hộ động thái can thiệp này của Nga.
Đặc biệt, truyền thông quốc tế gần đây còn xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng sau khi phiến quân hành quyết một con tin Trung Quốc, Bắc Kinh đang cân nhắc tới việc sẽ tham gia một phần vào các hoạt động của Nga tại Syria.
Vì thế, dưới góc nhìn của những đầu lĩnh IS, Trung Quốc không khác gì một đồng minh cả về tài chính lẫn chính trị của Nga trong các chiến dịch quân sự ở Syria và cần phải bị trừng phạt.
Theo Caillet, nội dung bài hát mà IS tung ra rõ ràng nhắm tới cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Mong muốn ly khai của bộ phận dân tộc này là nỗi lo âu thường trực, một điểm yếu đối với lợi ích quốc gia Trung Quốc.
Tân Cương từ trước tới nay là khu vực có vai trò địa chính trị chiến lược quan trọng, là tuyến đường thương mại chủ chốt cũng như vùng đệm bảo vệ các lợi ích và chính sách của Bắc Kinh trong khu vực.
Việc Trung Quốc giữ im lặng và từ chối can thiệp vào Syria phần nào được lý giải là do giới lãnh đạo nước này lo sợ sự trả thù của IS sẽ khiến tình trạng bất ổn bùng phát ở Tân Cương.
Qua phân tích ngôn từ bài hát, quan sát viên Thomas Guien từ tờ Metro News đánh giá bên cạnh mục tiêu chiêu dụ, IS còn có ý muốn gửi thông điệp kích động người Hồi giáo hãy phản ứng bằng bạo lực để thiêt lập một nhà nước độc lập ở vùng tây bắc Tân Cương. Đây chính là đòn đánh vào điểm yếu mà các lãnh đạo Bắc Kinh lo ngại nhất.
Liên quan đến mối hiểm họa khủng bố ở khu vực này, ông Guien cho rằng IS sẽ chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, chiêu mộ để cảnh báo chứ chưa thực hiện các vụ tấn công nhằm vào Trung Quốc bởi Bắc Kinh đến thời điểm này chưa thật sự can thiệp trực tiếp tại Syria.
"Động chạm" đến những điểm yếu của Trung Quốc, IS rõ ràng muốn nhắc nhở Bắc Kinh suy nghĩ lại và không nên đi "quá xa" trên đất Syria, đặc biệt trong bối cảnh các quan chức ngoại giao Trung Quốc gần đây liên tục có những tuyên bố chống IS cứng rắn sau khi một con tin nước này bị hành quyết hồi cuối tháng trước.
"Song, hành vi đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh Trung Quốc. Tuy rất khó khăn để xác định những đối tượng có nguy cơ bị chiêu dụ, nhưng trong một cộng đồng Hồi giáo lên đến hàng chục triệu người tại Trung Quốc thì số người hình thành tư tưởng cực đoan sẽ không hề nhỏ", ông Caillet nói.
Nguyễn Hoàng