Tại Hội nghị Ủy ban Chính pháp Trung ương hôm qua, ông Mạnh Kiến Trụ, bí thư ủy ban này, lần đầu tuyên bố hệ thống tư pháp, công an và an ninh Trung Quốc sẽ tận trừ sức ảnh hưởng của cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, người từng nhiều năm đứng đầu cơ quan quyền lực này.
"Các hành vi trao đổi quyền lực lấy tiền và tình của Chu Vĩnh Khang đã làm tổn hại nghiêm trọng đến đảng và nhân dân, cũng làm hư hỏng một bộ phận cán bộ", Xinjingbao dẫn lời ông Mạnh nói. "Chúng ta không chỉ phải rút ra bài học sâu sắc, mà còn phải tận trừ ảnh hưởng mà vụ Chu Vĩnh Khang gây ra".
Năm 2002, Chu Vĩnh Khang đảm nhiệm chức bộ trưởng Công an, phó bí thư Ủy ban Chính pháp. Năm 2007, Chu được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị, bí thư Ủy ban Chính pháp đầy quyền lực này, quản các lĩnh vực an ninh, công an, tòa án, kiểm sát.
Cũng tại hội nghị hôm qua, nhân sự của Ủy ban Chính pháp có những sự thay đổi đáng chú ý. Ông Vương Ninh, tân tư lệnh Lực lượng Cảnh sát vũ trang và thứ trưởng Công an Phó Chính Hoa được bổ nhiệm làm ủy viên, thay cho các ông Vương Kiến Bình và Lưu Kim Quốc.
Tháng 2/2014, ông Lưu Kim Quốc thay thế vị trí của cựu thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh sau khi ông này bị điều tra vì các cáo buộc tham nhũng hồi cuối năm 2013. Lý Đông Sinh là thuộc hạ thân tín của Chu Vĩnh Khang và việc bắt Lý được cho là đánh dấu những nước cờ cuối cùng trong thế trận điều tra cựu trùm an ninh. Đến tháng 10/2014, ông Lưu được bầu bổ sung làm phó bí thư Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương, rời khỏi Ủy ban Chính pháp.
Cùng thời điểm cuối năm 2014, ông Vương Kiến Bình cũng rời khỏi ủy ban trên sau khi hoán đổi vị trí cho Phó tổng tham mưu trưởng Vương Ninh.
Trước đó, Trung Quốc công bố thông tin điều tra ông Mã Kiến, thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Đây là một trong các cơ quan thuộc quyền quản lý của Ủy ban Chính pháp, có trách nhiệm thu thập tin tình báo nước ngoài và giám sát những người trong diện nghi vấn ở Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định rằng, việc điều tra Mã Kiến cho thấy quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc thúc đẩy đến cùng chiến dịch chống tham nhũng tại tất cả các lĩnh vực và cấp bậc quan chức, cũng như trong việc triệt tiêu sức ảnh hưởng rộng lớn của Chu Vĩnh Khang.
Ông Mã được cho là có mối liên hệ mật thiết với cựu chánh văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch. Theo Caixin, sau vụ tai nạn dẫn đến cái chết của con trai hồi tháng 3/2012, Lệnh và Chu Vĩnh Khang đã đạt được các thỏa thuận liên minh chính trị. Theo đó, Chu giúp Lệnh che giấu vụ tai nạn có thể ảnh hưởng đến đường thăng tiến của Lệnh. Còn Lệnh Kế Hoạch phải đảm bảo, các cuộc điều tra xoay quanh cựu ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai không liên lụy đến Chu và gia đình.
Xem thêm: Lệnh Kế Hoạch ngã ngựa từ vụ tai nạn siêu xe của con trai
"Ngoại trừ quân đội, Bộ An ninh Quốc gia là một trong các cơ quan quan trọng nhất trong hệ thống chính trị Trung Quốc", Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, trưởng khoa Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết. "Đối với ông Tập Cận Bình, cái khó không chỉ là bởi các quan chức có chức tước cao, mà còn nằm ở chỗ cơ quan này rất nhạy cảm".
Cùng chung nhận định trên, bình luận viên Chris Buckley của tờ New York Times nhận định rằng quyền lực của các quan chức an ninh rất lớn và dễ bị các phe phái lợi dụng nhằm đấu đá chính trị. "Do có các kỹ thuật giám sát, họ có thể thu thập các thông tin nhạy cảm về các quan chức và giới thương nhân", ông này nói.
Một năm trước đó, Lương Khắc, cựu cục trưởng An ninh thành phố Bắc Kinh, cũng bị bắt. Lương được cho là có mối liên hệ mật thiết với Chu Vĩnh Khang. New York Times dẫn lời một quan chức an ninh giấu tên cho hay, Lương thường xuyên bí mật chuyển cho Chu các thông tin gián điệp về lãnh đạo cấp cao mà cục này thu thập.
Chống chủ nghĩa phe nhóm
Việc Ủy ban Chính pháp lần đầu tiên tuyên bố sẽ tận diệt sức ảnh hưởng của Chu Vĩnh Khang, diễn ra trong bối cảnh giới lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đang nỗ lực loại trừ vấn nạn kết bè kéo cánh trong quan trường nước này. "Phải tuyệt đối trung thành với đảng, không cho phép bất kỳ ai đứng lên trên đảng", Bí thư Mạnh Kiến Trụ nhấn mạnh trên hội nghị hôm qua.
"Đằng sau một số đại tham quan bị điều tra những năm gần đây, đều có một nhóm quan chức với các quan hệ lợi ích phức tạp", Xinhua viết trong một bài bình luận hôm 3/1. "Tình trạng này hình thành nên các phe phái hoặc công khai, hoặc ẩn kín".
Bài xã luận cũng chỉ đích danh các phe nhóm có liên quan đến Chu Vĩnh Khang, như phe thư ký, gồm các quan chức từng là trợ lý của cựu chính trị gia này, hay như nhóm dầu khí, lĩnh vực mà Chu từng quản lý trong nhiều năm.
Hai ngày sau, People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng xã luận phân tích cụ thể mối quan hệ nguy hiểm giữa tham nhũng và chủ nghĩa phe nhóm. "Về bản chất, những nhóm nhỏ của một số cán bộ là một dạng nhóm lợi ích dùng quyền lực công để mưu lợi tư", bài xã luận viết. "Hậu quả của việc này sẽ nguy hại đến quốc gia, dân tộc. Rất nhiều triều đại trong lịch sử đã sụp đổ, một phần bởi vấn nạn kết bè kéo cánh".
Ngày 15/1, trong một động thái hiếm hoi, China Daily dẫn một báo cáo dài trên tạp chí Phoenix cho hay, Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai từng âm mưu kết bè kéo cánh để lật ngược lại đường lối cải cách mở cửa và các quy chế về độ tuổi nghỉ hưu của lãnh đạo cấp cao do cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình xác lập. Đây được cho là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc công khai cáo buộc về phe phái của hai quan chức quyền lực một thời.
Theo các nhà quan sát, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng tham nhũng và chủ nghĩa phe nhóm không chỉ phản ảnh tham vọng cá nhân, mà còn là tín hiệu nguy hiểm cho thấy sự mất đoàn kết nội bộ.
Tại một hội nghị hồi tháng 11/2104, ông Tập đã dẫn lại một câu châm ngôn của triết gia thời cổ đại Hàn Phi Tử, để công kích chủ nghĩa phe nhóm. "Nếu việc bổ nhiệm chức vụ do các phe nhóm khống chế, thì mọi người sẽ tìm mọi cách để xây dựng các quan hệ có lợi", ông nói. "Bọn họ sẽ nghĩ trăm ngàn cách để thỏa mãn lợi ích cá nhân, chứ không nghĩ đến việc quản lý quốc gia như thế nào".
Đức Dương