Từ ngày 7/7, Tòa trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) tại The Hague, Hà Lan, bắt đầu mở phiên tranh tụng đầu tiên về vấn đề thẩm quyền của tòa và xem xét vụ kiện của Philippines đối với yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền với khoảng 90% diện tích Biển Đông dựa trên "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra, đi vào sát bờ của các nước như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Dù Trung Quốc liên tục tuyên bố không tham gia vụ kiện cũng như không chấp nhận phán quyết của PCA nhưng theo giới phân tích, Bắc Kinh vẫn tích cực "vận động hành lang" hòng giành về cho mình thật nhiều lợi thế. Đại sứ quán Trung Quốc tại The Hague còn thành lập hẳn một đường dây liên lạc chính thức với tòa án.
Sau khi kiểm tra lại các tuyên bố và quy định của PCA, hãng thông tấn Reuters xác định Trung Quốc có thể liên lạc với tòa án thông qua đại sứ quán ở The Hague. Tòa án này cũng thường cập nhật cho phía Trung Quốc các diễn biến mới nhất của quá trình xét xử cũng như những cơ hội để nộp tờ trình.
Chuyên gia pháp lý quốc tế và học giả nghiên cứu về Biển Đông cho biết, từ tháng 1/2013, khi Philippines đệ đơn lên PCA, đến nay, Trung Quốc vẫn theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của vụ kiện, đồng thời triển khai một cách hiệu quả những động thái không chính thức để xử lý tình hình.
"Có những dấu hiệu cho thấy hội đồng xét xử đang nghiêng sang hướng cân nhắc các lợi ích của Trung Quốc và dường như sẽ đưa ra một phán quyết ngang ngửa" cho cả đôi bên, ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhận định.
Philippines cách đây hơn hai năm nộp đơn lên PCA đề nghị xác nhận "đường 9 đoạn" của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Nhưng Trung Quốc lại lập luận rằng bản chất của vụ kiện là về chủ quyền vì thế vấn đề trên không thuộc thẩm quyền của PCA. Do đó, phiên tranh tụng lần này trước hết nhằm giải quyết khúc mắc quanh việc PCA có quyền hạn xét xử đơn kiện của Manila hay không.
Theo ông Storey, quá trình tranh tụng về thẩm quyền của PCA nhiều khả năng sẽ khiến phán quyết cuối cùng của tòa án bị trì hoãn từ 6 tới 12 tháng, thậm chí là đến khi nhiệm kỳ của Tổng thống Phillipines Benigno Aquino kết thúc vào tháng 6 năm sau.
Điều này mang tới một bất lợi khác cho Philippines bởi ông Aquino là người ủng hộ mạnh mẽ và có vai trò rất quan trọng trong vụ kiện của Manila đối với Bắc Kinh. Ông từng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc vô cùng tức giận khi so sánh hành vi bành trướng của nước này ở Biển Đông giống với hành động của phát xít Đức trong Thế chiến II. Tuy nhiên người được dự đoán sẽ kế nhiệm ông Aquino dường như có thái độ mềm mỏng hơn về vấn đề này.
Trung Quốc được cho là sẽ bác bỏ đến tận cùng mọi phán quyết có lợi cho Philippines. Theo ông Zha Daojiong, nhà khoa học chính trị tại Đại học Bắc Kinh, chiến lược không theo vụ kiện sau đó phủ nhận mọi quyết định của tòa đã được Bắc Kinh lên kế hoạch từ trước. "Nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, mọi phán quyết cũng chỉ như một ý kiến mà thôi", ông Zha bình luận.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc "vận động hành lang" của Trung Quốc không thể khiến các thẩm phán ủng hộ Bắc Kinh hoàn toàn. "Họ sẽ công bằng hết mức có thể. Có lẽ họ đều hiểu rằng Trung Quốc sẽ soi mói từng câu chữ trong bản phán quyết cuối cùng", Reuters dẫn lời một chuyên gia pháp lý am hiểu vụ kiện, nhận xét.
Vũ Hoàng (theo Reuters)