Tân Hoa Xã hôm 31/3 đưa tin Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã bị tòa án quân sự khởi tố với các tội danh tham nhũng, nhận hối lộ, lạm dụng công quỹ và chức quyền.
Việc Cốc bị khởi tố là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng, chấn chỉnh quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình. Một trong các chức danh của ông Tập là bí thư Quân ủy Trung ương, người đứng đầu PLA.
Trong một cuộc họp nội bộ, Chủ tich Tập Cận Bình đã phê phán tình trạng tham nhũng trong quân đội, chỉ trích rằng còn tồn tại rất nhiều trường hợp như Cốc Tuấn Sơn, đồng thời yêu cầu trốc tận gốc vấn đề và cách chức hàng loạt sĩ quan quân đội tham nhũng bất kể chức vụ cao hay thấp, New York Times dẫn lời một quan chức về hưu từng công tác với ông Tập cho biết.
Tuyên bố mạnh mẽ này của ông Tập được cho là nhằm vào các tướng lĩnh cấp cao hơn, những người từng đề bạt và bảo kê cho hoạt động tham nhũng của Cốc. Sau khi được điều động về Tổng cục Hậu cần năm 2001, Cốc Tuấn Sơn nhanh chóng được đề bạt và trở thành phó chủ nhiệm tổng cục, bất chấp sự phản đối của một số lãnh đạo chủ chốt trong đơn vị.
Cuối năm 2011, Thượng tướng Lưu Nguyên, chính ủy Tổng cục Hậu cần, từng đề nghị điều tra Cốc. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng hai lần yêu cầu cơ quan kiểm tra kỷ luật của quân đội cách chức viên tướng này. Nhưng các nỗ lực trên đều bị trì hoãn, và việc điều tra chỉ được triển khai cho đến khi Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương được chỉ đạo trực tiếp tham gia vào đầu năm 2012.
Tuy nhiên, quá trình điều tra diễn ra rất chậm. Cho đến mùa thu năm 2012, cơ quan kiểm sát của quân đội vẫn chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị cáo trạng, với cáo buộc Cốc chỉ tham nhũng hơn một triệu USD.
Sau khi được bầu làm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc và bí thư Quân ủy Trung ương vào cuối năm 2012, ông Tập đã chỉ đạo mở rộng phạm vi điều tra vụ án Cốc Tuấn Sơn.
Sau đó, tờ Caixin đã đăng tải một loạt bài điều tra về việc Cốc đã trục lợi từ các vụ giao dịch bất động sản quy mô lớn do Tổng cục Hậu cần quản lý, cũng như mua quan bán tước. Cốc và gia đình đã tích lũy được hàng chục bất động sản đắt tiền tại trên đường vành đai hai ở khu vực nội thành thủ đô Bắc Kinh. Khi lục soát biệt thự của viên tướng này ở quê, các điều tra viên thu được nhiều đồ vật bằng vàng ròng và vô số rượu quý. Tổng lượng hàng xa xỉ đủ chất đầy 4 xe tải.
Tình trạng tham nhũng trong quân đội Trung Quốc đã tồn tại từ lâu, bắt nguồn từ sau thập niên 80 thế kỷ 20. Cùng với công cuộc cải cách mở cửa, quân đội được phép kinh doanh, nhằm giải quyết vấn đề tài chính phục vụ cho việc hiện đại hóa quân đội và phúc lợi cho quân nhân.
Trước tình trạng tham nhũng, buôn lậu trong quân đội ngày càng nghiêm trọng, chính phủ Trung Quốc quyết định chấm dứt các hoạt động kinh doanh trong quân đội vào năm 1998. Nhưng cùng với việc chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng cao, tình trạng lợi dụng tài sản quân đội để mưu lợi cá nhân đã tái xuất hiện, đặc biệt là trong các dự án bất động sản.
Đây cũng chính là lĩnh vực mà Cốc Tuấn Sơn phụ trách khi còn tại chức. Trong 8 năm công tác tại Cục nhà đất và cơ sở vật chất, Cốc liên kết với các công ty bất động sản bên ngoài để kiếm lời, trong các hạng mục chuyển đối chức năng đất đai do quân đội quản lý.
Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng lần này là nhằm chấn chỉnh, cải tạo quân đội Trung Quốc từ một tập đoàn lợi ích nơi nạn tham nhũng hoành hành trong nhiều năm qua, trở thành một đội quân tinh nhuệ có thể thực hiện các mục tiêu quân sự ngoài nước và đảm bảo ổn định chính trị trong nước.
Trong một cuộc họp của Quân ủy Trung ương, ông Tập từng chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân khiến Liên Xô tan rã đó là bởi Mikhail Gorbachev không nắm chặt quyền chỉ huy với quân đội.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình rất coi trọng vai trò của quân đội trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia này. "Tập Cận Bình hiểu rất rõ cục diện khu vực xung quanh Trung Quốc ngày càng phức tạp, chính vì vậy vai trò của PLA trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", Giáo sư Châu Phong thuộc đại học Bắc Kinh cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng ông Tập rất quyết tâm trong việc tăng cường quản lý và chỉnh đốn quân đội. Ông được cho là mỗi tuần đều dành ra ít nhất nửa ngày triển khai công việc tại văn phòng Quân ủy Trung ương.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có nhiều lợi thế để thực hiện các mục tiêu trên, bởi mối liên hệ cá nhân và công việc sâu sắc với giới quân đội Trung Quốc. Cha của ông, cố phó thủ tướng Tập Trong Huân từng là một chỉ quân sự trong thời kỳ cách mạng. Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện, nữ thiếu tướng, trưởng đoàn ca múa nhạc Tổng cục Chính trị PLA.
Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình từng có thời gian làm thư ký cho văn phòng Quân ủy Trung ương sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1979. Rất nhiều người bạn thời trẻ của ông hiện đảm nhiệm các trọng trách trong quân đội, trong đó có Thượng tướng Lưu Nguyên, con trai của cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ. Tướng Lưu cũng là một trong các lãnh đạo quân đội đi đầu trong công tác chống tham nhũng.
Nếu như Cốc Tuấn Sơn bị kết tội, thì đây sẽ là vụ án tham nhũng lớn thứ hai trong lịch sử PLA. Năm 2006, nguyên phó tư lệnh Hải quân Vương Thủ Nghiệp bị kết án tù chung thân bởi tham ô 160 triệu nhân dân tệ (26 triệu USD).
Đức Dương (tổng hợp)