Trung Quốc chuẩn bị đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên. Ảnh: Xinhua |
Hôm 27/7, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết nước này sẽ sử dụng chiếc tàu sân bay đầu tiên được nâng cấp từ vỏ tàu mua của Ukraine cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu. Đây cũng là quan chức hiếm hoi của Trung Quốc thừa nhận chính thức nước này đang hoàn thiện chiếc tàu sân bay đầu tiên được cho là sẽ mang tên Shi Lang.
Việc Bắc Kinh cải tạo vỏ tàu Ukraine thành một tàu sân bay hoàn chỉnh được biết đến từ nhiều năm qua. Tuy nhiên đến gần đây Trung Quốc mới chính thức công khai về vấn đề này. Bình luận của ông Cảnh cho thấy Trung Quốc không có kế hoạch triển khai tàu sân bay Shi Lang vào lực lượng chiến đấu, nhưng có thể nước này đang dựa vào đây để phát triển các tàu sân bay riêng của họ từ bước đầu tiên.
AP dẫn nguồn tin các chuyên gia quốc phòng nhận định rằng Trung Quốc đang chuẩn bị đóng tới 4 chiếc tàu sân bay hoàn toàn mới tại Thượng Hải, thực thi một chương trình quy mô lớn về khí tài cho lực lượng hải quân.
Nhật báo Quân Giải phóng của quân đội Trung Quốc nhấn mạnh tình yêu nước cộng với mối lo ngại về an ninh trong tương lai đứng sau quyết định liên quan đến kế về hoạch tàu sân bay nói trên. Theo bài xã luận của báo này, trong những thế kỷ qua "Trung Quốc bị các cường quốc phương Tây làm cho bẽ mặt với nỗi đau rằng có biển mà không thể tự bảo vệ và phải nếm trái đắng của sự lạc hậu".
Tờ báo trên cũng vạch ra rằng những nguy cơ trong tương lai là lý do căn bản để Trung Quốc thực hiện chương trình về tàu sân bay, vốn phải mất nhiều năm mới có thể tạo ra một lực lượng có khả năng tác chiến. "Cuộc đấu tranh để đạt được các lợi ích trên biển đang ngày càng gay gắt. Một hải quân hùng mạnh là lựa chọn không thể thiếu để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc đang được toàn cầu hoá ngày càng nhanh", tờ báo nói thêm.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước đó nhấn mạnh rằng lực lượng hải quân là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh quân sự của nước này và các tàu sân bay là dấu hiệu rõ ràng nhất đại diện cho một cường quốc quân sự đang lên. Những chỉ dấu trên có thể lý giải việc Trung Quốc đang đẩy mạnh chi tiêu cho quân sự, trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị cắt giảm lớn về ngân sách quốc phòng.
Trung Quốc liên tục khẳng định việc họ hiện đại hoá quân sự chỉ nhằm mục đích quốc phòng và nhấn mạnh họ vẫn chi tiêu cho quốc phòng ít hơn nhiều so với Mỹ. Nhưng giới phân tích cho rằng sự phát triển của quân đội Trung Quốc khiến khu vực lo ngại về việc họ sẽ sử dụng sức mạnh đang lên của mình để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và biển đảo vốn kéo dài nhiều năm qua.
Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano hôm qua bình luận: "Vấn đề minh bạch trong chính sách quốc phòng và sự phát triển quân đội của Trung Quốc không chỉ là mối lo ngại đối với riêng Nhật Bản, mà còn là mối lo ngại đối với khu vực và cộng đồng quốc tế". Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Toshima Kitazawa cũng có quan điểm tương tự, khi yêu cầu Trung Quốc phải minh bạch hơn trong chương trình phát triển lực lượng tàu sân bay.
Sự mở rộng về quân đội của Trung Quốc sẽ tác động đến sự phát triển quân sự trên toàn khu vực châu Á. Trong kế hoạch ngân sách năm 2012 mới đệ trình lên quốc hội trong tuần này, Philippines muốn tăng chi tiêu cho quân sự. "Sự hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc là tiếng kèn lệnh kêu gọi Philippines cũng phải nâng cấp năng lực của mình để tuần tra các vùng biển", Rommel Banlaoi, giám đốc Viện Nghiên cứu hoà bình, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố Philippines bình luận.
Trong khi đó, Rory Medcalf, giám đốc chương trình An ninh quốc tế tại Học viện chính sách quốc tế Sydney, Australia, cho rằng chương trình tàu sân bay của Trung Quốc có thể đẩy mạnh hoạt động trang bị tàu ngầm tại khu vực như là biện pháp đối phó.
"Đã có một cuộc chạy đua về tàu ngầm hay cạnh tranh về năng lực tàu ngầm trong khu vực. Chương trình tàu sân bay của Trung Quốc có thể bổ sung xung lực vào cuộc chạy đua đó", ông nói thêm. Theo kế hoạch công bố năm ngoái, Nhật Bản đang chuẩn bị nâng số tàu ngầm hiện có từ 16 lên 22 chiếc.
Shi Lang, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sắp hoàn thiện, có nguyên bản là tàu Varyag, được Liên Xô khởi công đóng tại Ukraine năm 1985. Khi hoàn thành được 70% với phần khung sườn hoàn chỉnh nhưng chưa gắn động cơ và các thiết bị khác thì Liên Xô sụp đổ. Do đó tàu Varyag được chuyển giao cho Ukraine sở hữu.
Nhưng do không có kinh phí hoàn thiện, năm 1998 Ukraike bán thanh lý vỏ tàu Varyag và một khách hàng Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc đấu giá. Sau đó vỏ tàu được kéo về cảng Đại Liên của Trung Quốc và thay vì biến thành một khách sạn nổi, nó được hoàn thiện thành chiếc tàu sân bay như thiết kế ban đầu.
Thực chất tàu Shi Lang hay Varyag là tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay, không thể sánh với các tàu sân bay truyền thống của hải quân Mỹ, Anh hay Pháp. Tàu sân bay của Mỹ có trọng tải trên 100.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi tàu Shi Lang có thiết kế 67.500 tấn chạy bằng năng lượng thường.
Từ thiết kế đến cách thức phát triển của Shi Lang cho thấy, con tàu sân bay đầu tiên này của Trung Quốc mang ý nghĩa chính trị và khoa học cho nước này hơn là quân sự. Đây có thể là nơi họ học hỏi kinh nghiệm thiết kế để phát triển các tàu sân bay nội địa sau này. Nhưng hạ thuỷ Shi Lang cũng sẽ giúp Trung Quốc trở thành quốc gia Đông Bắc Á đầu tiên triển khai tàu sân bay kể từ Thế chiến II.
Đình Nguyễn