Trên Washington Post, nhà bình luận về Biển Đông David Ignatius cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/7 là một thất bại rõ ràng của Trung Quốc.
Trong khi cả thế giới đang tập trung chờ đợi một động thái tích cực từ Bắc Kinh thì nước này lại có những động thái cho thấy có thể tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang hơn, như điều máy bay ném bom chiến lược H-6K bay qua bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines, tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động nạo vét và bồi đắp phi pháp tại Biển Đông.
Tuy nhiên, những động thái gây hấn hiện chủ yếu ở mức độ phát ngôn và những hình ảnh về máy bay ném bom chiến lược H-6K cũng do Bắc Kinh tự đưa ra. Đến nay, Trung Quốc chưa có một phản ứng nào thật sự rõ ràng và quyết liệt.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao Trung Quốc có sự thận trọng như vậy. Ignatius cho rằng Bắc Kinh chỉ đang cố kiềm chế, chờ đợi thời cơ tốt nhất để đưa ra những phản ứng mang tính cứng rắn, quyết liệt mà cộng đồng thế giới không thể lường trước được.
Harry Kazianis, bình luận viên của National Interest cho rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế hành động trước kết quả vụ kiện Biển Đông của Philippines tại Tòa Trọng tài Thường trực, ít nhất cho tới tháng 9 vì hai lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc sẽ lần đầu tiên đứng ra đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Hàng Châu ngày 4-5/9 tới. Với mục tiêu thể hiện là một cường quốc đang trỗi dậy, một đối tác đáng tin cậy, Trung Quốc không muốn vấn đề Biển Đông tạo nên bất kỳ rắc rối nào tại hội nghị lần này. Có thể sẽ có nhiều phát ngôn cứng rắn khác được đưa ra, nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ không tiến hành thêm động thái leo thang nào khác.
"Trung Quốc không muốn gây thêm rắc rối trong giai đoạn mà họ đang cần lấy lại uy tín của mình, khi những căng thẳng liên quan đến châu Á có thể đã vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát. Tại sao phải làm phức tạp tình hình, chủ động tấn công để làm mất thể diện. Thời điểm này không phải là lúc để cãi nhau", Kazianis khẳng định. Do đó, Trung Quốc sẽ đợi tới ít nhất sau khi hội nghị kết thúc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể còn muốn đợi đến thời điểm "tranh tối tranh sáng", khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, để ra "đòn hiểm" về Biển Đông.
Theo Kazianis, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới thực sự đủ khả năng răn đe Trung Quốc tiếp tục gây rắc rối. Khi cuộc chạy đua giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bước vào giai đoạn nước rút, cả Mỹ và truyền thông thế giới sẽ tập trung quan tâm tới diễn biến của cuộc bầu cử. Trung Quốc có thể hy vọng thực hiện các hoạt động khiêu khích nhưng ít thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể cho rằng vào thời điểm tiến trình chuyển giao quyền lực ở nước Mỹ bắt đầu khởi động, lúc tổng thống Mỹ kế tiếp và lập trường của Washington đối với châu Á sẽ thay đổi như thế nào chưa được xác định rõ ràng, Bắc Kinh có thể dễ "ra tay hành động".
Lãnh đạo Trung Quốc có lẽ cũng dự đoán chính quyền Obama sẽ hạn chế phản ứng vì muốn rời nhiệm sở mà không bị kéo vào một cuộc khủng hoảng ở châu Á. Vì vậy với họ, đây có thể là thời điểm không thể tốt hơn để thổi bùng căng thẳng và củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Chuyên gia Bonie Glaser, thuộc trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng nếu lựa chọn gia tăng căng thẳng, Bắc Kinh có thể có các động thái như điều máy bay chiến đấu đến ba sân bay mới xây phi pháp ở Trường Sa và quân sự hóa nhiều hơn các đảo nhân tạo.
Trung Quốc có thể sẽ vẽ thêm những đường cơ sở xung quanh Trường Sa và tuyên bố về các vùng nước bên trong đường cơ sở, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) cũng có thể được thiết lập để phản ánh tuyên bố "đường lưỡi bò".
Ngoài ra, nếu muốn đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm, Bắc Kinh có thể tiến hành kế hoạch nạo vét và xây dựng các cơ sở đồn trú ở khu vực bãi cạn Scarborough. Những hành vi phi pháp như sử dụng các tàu hải cảnh, áp dụng các quy định đánh bắt cá... cũng có thể được nước này sử dụng để cản trở các tàu cá của các quốc gia khác và tiến hành khai thác năng lượng tại những khu vực trên Biển Đông mà Trung Quốc coi là có "quyền lịch sử".
"Như Bắc Kinh đã từng nói, họ đã chuẩn bị tất cả, chỉ chờ thời điểm thích hợp là ra tay. Hiện tại, các nước Đông Nam Á và thậm chí toàn khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương nên chuẩn bị sẵn sàng", chuyên gia Kazianis cảnh báo.
Xem thêm: Ông Tập bị quân đội gây sức ép cứng rắn sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Hai lý do Trung Quốc ngăn biểu tình chống phán quyết Biển Đông.
Nguyễn Hoàng