"Nhà nước Hồi giáo (IS), Iran và Nga không phải là rắc rối. Về lâu dài, mối thách thức tiềm ẩn lớn hơn chính là Trung Quốc", Aaron Friedberg, cựu trợ lý an ninh quốc gia Nhà Trắng của Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney, nói.
Tuy nhiên, ngoài tỷ phú Donald Trump, doanh nhân kỳ cựu đang cạnh tranh kinh doanh với Trung Quốc, chưa có ứng viên tổng thống Mỹ nào xếp Trung Quốc ở vị trí cao trong kế hoạch làm việc của họ.
Những thách thức hiện tại trong chính sách đối ngoại Mỹ phần nào có thể tạo ra lợi thế chính trị tốt hơn cho các ứng viên tổng thống. Người còn lại cuối cùng sẽ phải giải quyết được ít nhất một vấn đề như chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, khả năng Hy Lạp rời khối đồng tiền chung euro và ảnh hưởng của Nga ở Ukraine.
"Công chúng lo ngại nhiều hơn về IS và Nga, sau đó mới đến Trung Quốc. Họ nên lo ngại về Trung Quốc hơn hai vấn đề kia", Douglas Paal, cựu đại diện cấp cao Mỹ tại Đài Loan, nói.
Trung Quốc phô diễn sức mạnh
Trung Quốc vẫn đang tạo ra ảnh hưởng ở Đông Á, động thái một số nhà phân tích tin rằng có ảnh hưởng xấu đến mong muốn là một cường quốc có sức chi phối Thái Bình Dương của Mỹ.
Trung Quốc đã và đang tiến hành cải tạo các bãi đá trên Biển Đông, tại khu vực nước này tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên vùng biển một số nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, đồng minh của Mỹ. Một đảo nhân tạo còn có sân bay, làm dấy lên lo ngại một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ sử dụng chúng để kiểm soát đi lại đối với những tuyến đường biển quan trọng của kinh tế thế giới.
Hồi đầu năm, Quốc vụ Viện Trung Quốc định hướng lại chương trình hải quân của nước này để ưu tiên các hạm đội "vùng biển rộng" thay vì chỉ sử dụng tàu phù hợp với vùng ven biển, động thái có thể làm căng thẳng trong khu vực gia tăng thêm.
Phi cơ cùng tàu hải quân Mỹ và Trung Quốc từng có một số lần chạm trán ở cự ly gần đáng bảo động. Bắc Kinh từng thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông nhưng Washington không công nhận.
Trung Quốc còn được cho là đứng sau một vụ xâm nhập lớn, tiếp cận thông tin nhân viên chính phủ Mỹ, khiến những người này có nguy cơ bị tống tiền và làm lộ những điệp viên Mỹ hoạt động ở nước ngoài. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP giảm rõ rệt của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế Mỹ.
Các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo về cách Trung Quốc đang phát triển.
"Trung Quốc là một cường quốc đang lên, chúng ta là một cường quốc nguyên trạng", Michael Morell, cựu quyền giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết hồi tháng 5. "Họ muốn tạo thêm ảnh hưởng. Có phải chúng ta sẽ di chuyển một chút? Có phải họ sẽ đẩy mạnh? Điệu nhảy này rồi sẽ ra sao?".
Ông Morell nhấn mạnh Trung Quốc sẽ là một vấn đề lớn đối với tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Ứng viên tổng thống Mỹ thách thức Trung Quốc
Trong số những ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump là người duy nhất đặt câu hỏi về những đặc điểm cơ bản trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
"Mọi người nói, 'Ồ, ông không thích Trung Quốc à'", ông Trump cho biết trong thông báo tháng trước. "Không, tôi yêu quý họ. Nhưng lãnh đạo của họ thông minh hơn nhiều so với lãnh đạo của chúng ta. Chúng ta không thể chịu nổi điều đó".
Jeb Bush, con trai cựu tổng thống George H. W. Bush, ứng viên nặng ký thuộc đảng Cộng hòa, chọn cách tiếp cận truyền thống hơn với Trung Quốc, cho rằng một mối quan hệ "có chiều sâu" với Bắc Kinh là điều quan trọng để ngăn sự bất đồng vượt ngoài tầm kiểm soát.
"Rất dễ tạo ra hiểu nhầm khiến hai bên có thể dễ dàng từ một đối thủ cạnh tranh... biến thành thách thức an ninh nếu chúng ta không cam kết tại mọi mức độ", Bush phát biểu tại Hội đồng Chicago về Các vấn đề Toàn cầu hồi tháng 2.
Đối thủ của Bush, thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, cũng ám chỉ về một chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Trong bức thư gửi Tổng thống Barack Obama, ông Rubio bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về "những hành động kiên quyết chống lại Mỹ và đồng minh" của chính phủ Trung Quốc.
Carly Fiorina, ứng viên đảng Cộng hòa, lên án hành động tấn công mạng. "Tôi đã kinh doanh ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ", Huffington Post dẫn lại lời bà Fiorina cho biết trong một video. "Họ không giàu trí tưởng tượng, không phải nhà kinh doanh và không đổi mới. Đó là lý do họ đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta".
Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, thuộc đảng Dân chủ, từng có quan hệ phức tạp, đôi lúc là căng thẳng với giới lãnh đạo Trung Quốc. Khi giữ chức ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama, bà Clinton phủ nhận Washington muốn kìm chế Bắc Kinh. Bà cũng là một kiến trúc sư cho chiến lược xoay trục châu Á của ông Obama.
Cựu ngoại trưởng Clinton từng khiến ông Dương Khiết Trì, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó, "bực tức" tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực tổ chức ở Việt Nam năm 2010 bằng cách ủng hộ quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á rằng tranh chấp nên được giải quyết trong diễn đàn đa phương thay vì giữa từng quốc gia riêng lẻ, cách thức Bắc Kinh ưu tiên hơn.
Với kinh nghiệm từ quá khứ, bà Clinton nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác với Trung Quốc nhưng có rất ít ảo tưởng về trạng thái cuối cùng của mối quan hệ.
Tương lai khó đoán
Tuyên bố của bà Clinton cùng các ứng viên khác xuất hiện vào thời điểm tranh luận trong cộng đồng chính sách đối ngoại Mỹ về "hình dáng" quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong tương lai đang gia tăng, trước chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9.
Dựa trên những diễn biến sau đó, tổng thống Mỹ tiếp theo có thể sẽ phải cân nhắc những lý do chiến lược, từng là cơ sở trong 8 nhiệm kỳ tổng thổng kể từ khi tổng thống Richard Nixon "mở cửa" với Trung Quốc vào những năm 1970, có cần điều chỉnh hay không.
Chính sách của Mỹ dựa trên quan điểm rằng Trung Quốc trỗi dậy là điều không thể tránh khỏi và Bắc Kinh nên được đưa vào một hệ thống quốc tế dựa trên những quy tắc ngoại giao, kinh tế và thương mại đã được thiết lập.
Động thái trên nhằm đảm bảo tránh một cuộc đụng độ giữa một cường quốc trỗi dậy và một cường quốc sẵn có vốn thường xảy ra trong lịch sử. Nhưng cách tiếp cận này đang bắt đầu bị thách thức bởi những hành động của Bắc Kinh, điều góp phần định hình thực tại mà tổng thống Mỹ kế nhiệm sẽ thừa hưởng.
Ví dụ, Trung Quốc đang cố thiết lập một kiến trúc an ninh và kinh tế thay thế trong khu vực. Mỹ gần đây đã phải nỗ lực ngăn các đồng minh châu Âu thân cận gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh dẫn đầu.
"Tôi nghĩ chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều dấu hiệu chỉ ra rằng họ không phải là một cường quốc nguyên trạng", cựu trợ lý an ninh quốc gia Nhà Trắng Friedberg nói. "10 năm trước, mọi người nói họ đang học cách tham gia cuộc chơi theo đúng luật và chỉ có điên mới không làm như vậy. Khá rõ ràng là họ không".
"Có một viễn cảnh... trật tự châu Á sẽ rất khác hiện tại", ông nhận định.
Như Tâm (theo CNN)