Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã không thể lật ngược thế cờ trước đối thủ đến từ đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ ba vừa diễn ra, theo bình luận viên Chris Cillizza của Washington Post.
Khảo sát do CNN/ORC thực hiện với những người theo dõi cuộc tranh luận cho thấy có 52% người được hỏi cho rằng bà Clinton đã giành chiến thắng, trong khi 39% cho rằng ông Trump thể hiện tốt hơn trong cuộc đối đầu.
Ông Trump bước vào cuộc tranh luận với thế "cửa dưới" sau khi trải qua quãng thời gian đầy sóng gió về những tuyên bố xúc phạm phụ nữ cách đây hơn 10 năm, khiến tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò sụt giảm. Khảo sát của Survey Monkey công bố hôm thứ ba dự đoán bà Clinton sẽ giành được 304 phiếu đại cử tri, nhiều hơn mức 270 phiếu cần thiết để trúng cử. NYTimes cũng cho rằng bà có tới 92% cơ hội thắng cử trước ông Trump.
Tuy vậy, giới quan sát đánh giá rằng ông Trump đã có màn tranh luận tốt nhất và tập trung nhất từ trước tới nay. Bình luận viên Kylie Cheung của Frisky cho rằng ông Trump đã tung ra được những cú đòn nặng ký về phía bà Clinton, với những luận điểm tấn công vào vụ bê bối email, việc chấp nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, quỹ tranh cử của cựu ngoại trưởng cũng như "mức độ đáng tin cậy" của ứng viên đảng Dân chủ.
Theo Cillizza, ông Trump thể hiện khá tốt trong 30 phút đầu tiên của cuộc tranh luận. Quan điểm về vấn đề nhập cư, ứng viên thẩm phán tòa án tối cao, nạo phá thai hay chính sách đối ngoại của ông Trump có thể thuyết phục được nhiều người Mỹ theo đường lối bảo thủ.
Nhưng như những lần trước, trong thời gian tiếp theo, ông chỉ đơn giản là không thể đi theo đúng kế hoạch của mình. Ông trở nên mỗi lúc một nóng nảy hơn, dẫn đến những lúc sơ sẩy như khi tố cáo bà Clinton "mang IS tới nước Mỹ" hay cho rằng đối thủ là "người đàn bà xấu xa".
Khoảnh khắc tệ hại nhất của Trump trong cuộc tranh luận lần ba là khi ông từ chối trả lời việc có chấp nhận kết quả bầu cử hay không nếu ông thua cuộc.
Trump từ chối trả lời câu hỏi về việc chấp nhận kết quả bầu cử
"Tới thời điểm đó, tôi sẽ xem xét. Những gì tôi nhìn thấy thật tồi tệ, truyền thông cũng tồi tệ... Chúng đầu độc tâm trí của cử tri nhưng không may cho họ, cử tri đã nhìn thấu tất cả", Trump trả lời câu hỏi của người điều phối. Khi bị thúc ép, ông tuyên bố: "Đến lúc thì tôi sẽ nói... Tôi sẽ để mọi người chờ trong hồi hộp".
Theo Cillizza, câu trả lời kiểu "Hãy chờ mà xem" của Trump thực sự là một thảm họa, và sẽ là thứ duy nhất người ta nhớ tới và tiếp tục bàn tán sau cuộc tranh luận.
Sự điềm tĩnh của bà Clinton
Với kết quả thăm dò đầy thuận lợi, bà Clinton được đánh giá là chỉ cần "giữ mình" trong cuộc tranh luận lần thứ ba để không phạm phải sai lầm nghiêm trọng nào. Có vẻ như bà đã chuẩn bị cho cuộc tranh luận rất cẩn thận, từ việc sắp xếp chỗ ngồi của người nhà để tránh tạo ra sự cố, cho đến lên sẵn phương án trả lời cho các đòn đánh hiểm hóc của đối phương, và điều đó mang lại cho bà màn trình diễn ấn tượng nhất với sự điềm tĩnh đến kinh ngạc, theo Cillizza.
Sau hai lần đối đầu trước, bà Clinton dường như đã tìm ra chiến thuật hợp lý để biết cách phớt lờ và đối phó lại với những lời công kích dồn dập của ông Trump. Bình luận viên Cristina Silva của IBTimes cho rằng bà Clinton đã rất khôn khéo khi né tránh những "mồi nhử" mà ông Trump tung ra về các cáo buộc ngoại tình của chồng, về tuyên bố rằng bà tạo ra IS, cũng như bất cứ câu chất vấn nào về việc sử dụng email cá nhân khi bà còn làm ngoại trưởng Mỹ.
Không chỉ "giữ mình", bà còn biết cách tung đòn phản công tương xứng nhắm vào Trump. Câu trả lời của bà về những vấn đề nhạy cảm như nạo phá thai hay nhập cư đã giành được cảm tình của nhiều cử tri thuộc các nhóm bị ảnh hưởng, củng cố lòng tin ở những người vẫn còn dao động, Cheung nhận định. Điều đó giúp bà thể hiện được sự "trên cơ" rõ ràng về sự chín chắn, rành mạch, và hơn cả là tính thực tiễn của các chính sách, trước đối thủ Trump.
Khi nhận thấy đối thủ tỏ ra nóng nảy, tung ra những cáo buộc mang tính "khiêu khích", bà Clinton vẫn thể hiện được vẻ mặt bình tĩnh, kiên định, kể cả khi đối thủ ngắt lời và gọi bà là "người đàn bà xấu xa".
Cillizza đánh giá rằng màn tranh luận của bà Clinton chưa phải là hoàn hảo, chẳng hạn như khi bà vẫn chưa thể giải thích một cách thuyết phục về Quỹ Clinton, nhưng đúng vào lúc khó khăn đó, ông Trump lại vô tình mở lối thoát cho bà, khi tạo cơ hội để bà nói về các vấn đề liên quan đến quỹ tài chính của chính ông.
Trong khi ông Trump không thể hiện được nhiều về bản thân, đưa ra câu trả lời khiến mọi người hồ nghi về tư cách của "người biết thua cuộc", bà Clinton là người giành thắng lợi trong cuộc tranh luận cuối cùng này, Cillizza nhận định.
Xem thêm: Lo ngại Trump thua cuộc có thể kích động bạo lực ở Mỹ
Trí Dũng