Mỗi sáng của Méndez thường bắt đầu bằng một cái thở dài, đôi mắt lo âu và vẻ mặt buồn bã. Và sáng nay cũng không phải một ngoại lệ. Cô gái trẻ cẩn thận trang điểm, làm tóc và cầm trong tay bộ sơ yếu lý lịch.
Méndez sắp có một buổi phỏng vấn tại siêu thị. Mặc dù không hề liên quan tới công việc cô từng mơ ước sẽ được làm sau khi tốt nghiệp, là một nhà xã hội học, nhưng chí ít nó còn tốt hơn những vị trí tạm thời, những lá đơn xin việc không có hồi âm và những nhà tuyển dụng khó tính, luôn yêu cầu ứng viên phải vừa trẻ vừa có kinh nghiệm, cùng mức lương ba cọc ba đồng.
Cha mẹ Méndez muốn cô trở về nhà ở Quần đảo Canary (một vùng tự trị của Tây Ban Nha ở Đại Tây Dương) để giúp đỡ việc kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, chính cha của Méndez cũng không có tiền để trả lương cho con gái.
"Tình trạng của tôi đang bi đát", Méndez nói. "Nhưng điều đó không thể khiến tôi ngừng có cảm giác tội lỗi. Tôi thường tự vấn lương tâm, rằng ‘Mình đã làm gì sai?’."
Không chỉ riêng Méndez, mà hàng triệu thanh niên châu Âu cũng đang tự hỏi bản thân điều này. 5 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở châu lục già đã leo lên mức kỷ lục. Chỉ riêng ở Tây Ban Nha, số thanh niên từ 24 tuổi trở xuống không có việc làm đã lên tới 56%. Con số này là 57% ở Hy Lạp, 40% ở Italy, 37% ở Thổ Nhĩ Kỳ và 28% ở Ireland.
Hàng chục cuộc phỏng vấn với thanh niên trên khắp châu lục này cho thấy, giấc mơ giàu sang mà cha mẹ họ từng khao khát đã hoàn toàn nằm ngoài tầm với. Không phải châu Âu sẽ mãi dậm chân tại chỗ, mà là thời kỳ khủng hoảng và thắt lung buộc bụng đã kéo dài quá lâu, tới mức đà phát triển sẽ chỉ dành cho thế hệ tiếp theo, thay vì những người thuộc thời đại của Méndez.
George Skivalos, 28 tuổi, đã trở về chỗ của mẹ anh ở Athens từ hai năm trước. “Ngay cả khi cơn khủng hoảng đi qua, có thể là trong vòng 4 năm nữa, thì lúc đó tôi cũng đã 32 tuổi. Rồi sao nữa? Tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội được làm việc với một mức lương khá khẩm.”
Thanh niên ở Nam Âu giờ đây bị kẹt ở giữa ngã ba đường. Hoặc ở nhà với cha mẹ, sống trong sự bao bọc của gia đình cùng cái mác thất nghiệp, hoặc tới Bắc Âu, nơi cuộc sống dễ dàng hơn nhưng lại luôn bị đối xử như những kẻ nhập cư. Ở đó, họ chỉ nhận được những công việc tạm thời với mức lương ít ỏi, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ kiếm được một hợp đồng tử tế.
Còn đối với Liên minh châu Âu (EU), giải quyết vấn nạn này đã trở thành một thách thức mang tính kinh tế - chính trị. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, từng phát biểu rằng “những thanh niên thất nghiệp có lẽ là vấn đề nguy cấp nhất của châu Âu”. Hồi đầu tháng 11, bà Merkel cùng nhiều nhà lãnh đạo khác đã bay tới Paris, Pháp, để tham gia một hội nghị đặc biệt về nạn thất nghiệp trong thanh niên do Tổng thống Pháp François Hollande chủ trì. Các chính phủ sau đó đã cam kết sẽ thực hiện một chương trình thúc đẩy việc làm trị giá 6 tỷ euro (tương đương 8 tỷ USD) từ năm 2014.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế học, bản thân chương trình này không đủ khả năng để giải quyết vấn đề. Với những người trưởng thành vào đúng thời điểm nổ ra cơn bão tài chính năm 2008, việc hứa hẹn viện trợ và phát triển trong tương lai chỉ khiến họ thêm băn khoăn với câu hỏi về thời điểm hoặc cách thức để bù đắp những năm tháng thanh niên.
“Hy vọng 2014 sẽ là năm của sự phục hồi”, Stefano Scarpetta, giám đốc phụ trách tuyển dụng, lao động và các vấn đề xã hội của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, nói. “Nhưng một lượng lớn thanh niên vẫn đang phải hứng chịu những khó khăn của giai đoạn này. Việc này sẽ gây ra những tác động lâu dài đối với toàn thế hệ.”
Tha hương tìm việc
Ngay sau sinh nhật lần thứ 23, Melissa Abadía, hiện 27 tuổi, đã phải đưa ra một lựa chọn khó khăn: cô sẽ rời khỏi Tây Ban Nha, nơi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008 và chuyển tới Hà Lan, nơi các nhà tuyển dụng vẫn đang cần nguồn nhân lực mới.
"Tôi đã khóc khi bước lên máy bay", Abadía, một cô gái sôi nổi, hoạt bát nhớ lại. "Nhưng tôi buộc phải chọn giữa việc ở lại quê hương dù biết không có cơ hội, hoặc ra đi để tìm kiếm một lối thoát mới cho bản thân.”
Dù đã được đào tạo nghiệp vụ y tá trong 5 năm, nhưng Castellón de la Plana, đến từ miền đông Tây Ban Nha, vẫn phải làm việc trong một nhà kho ở Amsterdam, Hà Lan. Tuy nhiên, cô gái vẫn tỏ ra khá hài lòng với công việc hiện tại, bởi kiếm được tiền và được sống độc lập đã là một may mắn. Những người như Castellón, theo lời cô, buộc phải ra đi và bỏ lại sau lưng nỗi nhớ nhà, cũng như chấp nhận thực tế rằng cuộc sống sẽ không bao giờ đi theo hướng mà họ từng mong ước.
“Tôi không hề thích thú gì với thực tế này”, cô nói. “Rời khỏi quê hương là lựa chọn chứ không phải mong muốn.”
Trở lại với Abadía, người đã phải trải qua chuỗi cảm giác nặng nề vì bị đối xử như những kẻ nhập cư phiền toái, xuất thân từ Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ, tới Bắc Âu để tìm kiếm cơ hội đổi đời. “Giờ thì tôi đã hiểu cảm giác khi phải chứng kiến những kẻ lạ mặt từ nơi khác tới và làm gia tăng tỷ lệ cạnh tranh trong công việc”, cô nói.
Ở Hà Lan, Abadía may mắn kiếm được công việc tạm ổn ở một cửa hàng thời trang, gần Cung điện Hoàng gia. Nơi này khá hẹp nhưng đã trở thành “cần câu cơm” của 10 thanh niên Tây Ban Nha khác, những người cũng di cư để kiếm việc.
Trước đó, Abadía từng phải trải qua hai năm mắc kẹt trong những hợp đồng ngắn hạn, thứ được các nhà tuyển dụng tận dụng triệt để nhằm cắt giảm chi phí và tránh những khoản tiền bảo hiểm.
Tại một số quốc gia, đặc biệt là ở những nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao, các hợp đồng ngắn hạn là thứ tốt nhất giúp các nhà tuyển dụng hưởng lợi từ thị trường lao động. Không phải ai cũng may mắn như Abadía, khi công việc tạm thời của cô cuối cùng cũng được chuyển thành một hợp đồng dài hạn, với nhiệm vụ giám sát một trong những nhà kho lớn nhất của cửa hàng.
"Giờ thì tôi đã có thể thuê nhà và tiết kiệm tiền", cô nói.
Với một số người, kiếm được một vị trí như Abadía thậm chí còn được coi là thành công. Mức lương của cô hiện vào khoảng 1.600 USD/tháng, cao gần gấp đôi so với những gì Abadía từng kỳ vọng ở Tây Ban Nha.
“Thời điểm được ký vào bản hợp đồng chính là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đời tôi”, cô nói.
"Gần như không thể kiếm được một công việc kiểu này ở Tây Ban Nha", cô nói. "Giờ thì tôi đã có thể trả tiền nhà, tiết kiệm một khoản và sống độc lập. Tôi thậm chí còn đang viết một cuốn sách."
Tuy nhiên, áp lực phải điều chỉnh bản thân với cuộc sống xa nhà cũng như với công việc mà cô hoàn toàn không được đào tạo khó hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của Abadía.
"Tôi đã từ bỏ mong muốn được làm việc trong ngành y từ lâu lắm rồi", cô nói. "Công việc này đôi khi lấy hết sức lực của tôi. Đã rất lâu rồi tôi không còn được biết nghỉ cuối tuần là gì nữa.”
Hơn hết, Abadía vẫn khao khát được quay trở về Tây Ban Nha, nơi có gia đình, bởi “tôi vẫn nhớ họ lắm”, cô nói. “Mỗi sáng thức dậy, tôi đều tự hỏi bản thân rằng tại sao mình vẫn cố trụ lại đây.”
Abadía đã phải trải qua cảm giác cô đơn tới tột cùng vào đêm Giáng sinh năm ngoái, khi ngồi một mình trong căn hộ và tưởng tượng cảnh cả gia đình cô đang quây quần bên bàn tiệc. Có lúc, “tôi chỉ muốn mua một tấm vé và bay ngay về nhà”, cô cho biết.
“Nhưng việc đó chỉ khiến tôi đánh mất cơ hội được làm việc”, Abadía nói. “Rồi tôi sẽ lại cảm thấy bế tắc và phải xách vali ra đi.”
Vậy nên, Abadía đã chọn dung hòa nỗi nhớ bằng cách dành phần lớn thời gian rảnh để liên lạc với gia đình và bạn bè ở Tây Ban Nha. Là một người trẻ, cô cảm thấy rất bức xúc trước mớ bòng bong của nền kinh tế quê nhà.
"Nhiều người chỉ trích chúng tôi như những kẻ thua cuộc và chỉ biết chạy trốn”, Abadía nói. "Chúng tôi không chạy trốn. Chính thực trạng kinh tế và các chính trị gia đã buộc chúng tôi phải làm thế.”
"Họ sẽ bỏ lỡ những thế hệ thanh niên tài năng và nhiệt tình nếu không chịu thay đổi”, cô nói. “Và điều gì sẽ xảy ra với một đất nước bị bỏ rơi?”
Câu hỏi này cũng đang đè nặng lên vai của giới lãnh đạo châu Âu. Theo ước tính, đã có hơn 100.000 tân cử nhân rời khỏi Tây Ban Nha. Họ, cùng với hàng trăm nghìn thanh niên khác đến từ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng, đã chuyển tới Anh, Đức và các nước Bắc Âu để tìm cơ hội đổi đời. Nhiều người còn đi xa hơn bằng cách tới Mỹ, Canada và Australia.
Dòng người di cư hiện tại "chủ yếu nằm trong thành phần tay nghề cao", Massimiliano Mascherini, một giám đốc nghiên cứu của Eurofound, cơ quan nghiên cứu của Liên minh Châu Âu, nói. "Đây là hồi chuông cảnh báo về nạn chảy máu chất xám, và cũng là mối quan tâm lớn nhất của các chính phủ.”
Bấp bênh
Tại Madrid, Méndez nói cô không có nhiều lòng tin với những lời hứa hẹn của chính phủ. Méndez đã chuyển tới đây 6 năm trước và đang có trong tay tấm bằng thạc sĩ xã hội học. "Tôi chưa từng trông chờ một cuộc sống hoàn hảo, nhưng tôi hy vọng có thể kiếm được một công việc ổn định và đóng góp cho xã hội", cô nói.
Nhưng Méndez lại tốt nghiệp đúng vào thời điểm Tây Ban Nha đang chìm sâu vào vũng lầy kinh tế, và chính phủ buộc phải cắt giảm ngân sách cho các dịch vụ xã hội, lĩnh vực mà cô hy vọng có thể được làm việc.
Giống như hàng nghìn thanh niên khác, Méndez nhanh chóng gia nhập vào hàng ngũ thất nghiệp, hoặc bị ràng buộc vào những hợp đồng ngắn hạn, mức lương bèo bọt, cùng với nguy cơ có thể bị nợ lương bất cứ lúc nào.
Với nhiều thanh niên châu Âu, đặc biệt là những người đang sống ở các quốc gia kém phát triển, chỉ còn một lựa chọn, đó tự tay ký vào những hợp đồng ngắn hạn với mức lương ba cọc ba đồng, hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp kéo dài.
Những người này được các nhà kinh tế học gọi là NEET: những người không đi làm, không đi học và không trong quá trình đào tạo. Theo Eurofound, có tới 14 triệu thanh niên châu Âu nằm trong nhóm NEET, và các nước thành viên của EU phải chi tới 206 tỷ USD/năm để chu cấp cho những người này.
"Đôi lúc, tôi thấy cuộc đời này thật không đáng sống”, Méndez, người thậm chí còn không dám nghĩ về việc kết hôn hay lập gia đình, nói.
Méndez cũng cho biết, cô vừa cùng 30 ứng viên khác ứng tuyển một vị trí trong chuỗi siêu thị ở Madrid. Phần lớn trong số họ đều sở hữu rất nhiều bằng cấp. Với cô, cơ hội này giống như chìa khóa cuối cùng cho sự tự chủ. “Tôi đã cố gắng tự nuôi sống bản thân suốt 6 năm qua. Tôi sắp kiệt sức rồi.”
Vài tuần sau, Méndez nhận được một email với nội dung: cô sẽ được làm việc tại khu đồ tạp hóa và quản lý một chiếc máy tính tiền ở siêu thị. Tuy nhiên, Méndez chỉ được ký hợp đồng ba tháng với khung giờ không cố định và cũng không đảm bảo cơ hội được làm mới hợp đồng.
Lương tháng vào khoảng 1.080 USD cho phép cô mua các nhu yếu phẩm và tránh việc phải về nhà với bố mẹ, nhưng chỉ thế mà thôi.
"Tình hình của tôi chưa được cải thiện là mấy", Méndez nói. "Tôi vẫn hy vọng được làm một nhà xã hội học.”
"Nhưng tôi vẫn phải mạnh mẽ", Méndez nói. "Bởi đó là việc duy nhất tôi có thể làm vào lúc này."
Ở Amsterdam, Abadía cũng đang an ủi bản thân bằng cách tự nhủ điều tương tự. Trên cánh tay cô gái trẻ có một hình xăm nhỏ, với dòng chữ "valiente", trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "dũng cảm".
"Tôi xăm dòng chữ này vì tin rằng mình phải nỗ lực cho tới những phút giây cuối cùng", Abadía nói. "Dù phải rời xa quê hương cùng người thân, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng và mạnh mẽ hơn nữa. Rồi một ngày nào đó, tôi sẽ có đủ sức để chinh phục cả thế giới."
Quỳnh Hoa (Theo NY Times)