Reynaldo Parojinog, thị trưởng thành phố Ozamiz ở miền nam Philippines, bị cảnh sát bắn chết tại nhà vào ngày 30/7 cùng với vợ và 5 người khác. Cảnh sát nói họ phải nổ súng tự vệ vì bị vệ sĩ của Parojinog tấn công.
Một cuộc đột kích khác tại ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình Parojinog cũng khiến 8 người thiệt mạng. Một số người bị bắt, bao gồm con gái của thị trưởng, Nova Princess Parojinog-Echavez. Cô bị buộc tội tàng trữ ma túy và sở hữu vũ khí bất hợp pháp.
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, người chỉ trích cuộc chiến ma túy của ông Duterte, mô tả các vụ giết người là "thảm sát". "Đây là bằng chứng cho thấy chính sách của ông Duterte đã coi thường nhân quyền, thủ tục pháp lý và thượng tôn pháp luật. Đây là bằng chứng cho các vụ kiện về nhân quyền chống lại ông ta", Trillanes nói.
Parojinog và con gái ông là một trong số 150 quan chức Philippines bị ông Duterte cáo buộc liên quan đến ma túy. Danh tính của họ bị công khai trên truyền hình trực tiếp.
Tổng thống khuyến khích các quan chức trong danh sách ra trình diện tại trụ sở cảnh sát quốc gia ở Manila để xóa tên nếu họ nghĩ mình vô tội. Parojinog và con gái đã làm vậy. Họ nói với các phóng viên rằng đối thủ chính trị có thể đã bịa đặt các cáo buộc chống lại họ. Thị trưởng nhấn mạnh rằng gia đình ông đã tích cực chống tội phạm ở Ozamiz, theo NYTimes.
Tuy nhiên, gia đình Parojinog chưa bao giờ phủ nhận cáo buộc họ liên quan đến tổ chức Kuratong Baleleng, đơn vị ban đầu là dân quân vũ trang do quân đội thành lập vào cuối những năm 1980. Sau này, nhóm trở thành tổ chức tội phạm.
Cesar là người giúp việc cho gia đình Parojinog sống sót sau cuộc đột kích. Anh kể rằng cảnh sát đã yêu cầu gia đình Parojinog nằm sấp xuống đất. Cảnh sát sau đó ra khỏi nhà và ném lựu đạn về phía họ.
Thượng nghị sĩ Ana Theresia "Risa" Hontiveros kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra về vụ đột kích. "Tôi kêu gọi các thượng nghị sĩ tìm hiểu sự thật đằng sau vụ việc đẫm máu này. Điều quan trọng là phải có cuộc điều tra công bằng và độc lập", Hontiveros nói.
Thượng nghị sĩ cho biết bà đưa ra lời kêu gọi vì có những cáo buộc nghiêm trọng chống lại các cảnh sát, tiêu biểu như lời kể của Cesar. "Nếu điều này chính xác thì những gì xảy ra ở Ozamiz không phải là hoạt động chính đáng của cảnh sát. Đó là một vụ thảm sát do nhà nước phê chuẩn".
Ông Duterte chưa bình luận về cuộc đột kích hôm 30/7. Các quan chức nói cảnh sát đã thực hiện độc lập, Tổng thống không liên quan trực tiếp đến chiến dịch.
Ngày 31/7, tướng Ronald dela Rosa, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines, không nao núng khi nhận được những nghi ngờ về chiến dịch. Ông nói rằng cảnh sát sẽ săn đuổi các quan chức khác trong danh sách của ông Duterte.
Không rõ danh sách nghi phạm buôn bán ma túy của ông Duterte được xây dựng như thế nào. Các quan chức cho biết Tổng thống có nguồn tin riêng. Tướng dela Rosa tuyên bố nếu các quan chức bị đưa nhầm vào danh sách thì họ không có gì phải sợ, nhưng nếu họ thật sự liên quan đến ma túy thì nên chuẩn bị tinh thần.
Năm ngoái, hai thị trưởng trong danh sách cũng bị cảnh sát bắn chết. Một người là Rolando Espinosa Sr., bị giết trrong tù. Cảnh sát nói rằng họ đột kích buồng giam vì nghi ngờ Espinosa tiếp tục chỉ đạo buôn ma túy từ đó và Espinosa đã chĩa súng vào họ. Người còn lại là thị trưởng Samsudin Dimaukom, bị giết tại một trạm kiểm soát của cảnh sát.
19 cảnh sát bị bắt vì liên quan đến cái chết của Espinosa. Họ được trả tự do vào tháng trước nhờ bảo lãnh.
Cuộc đột kích ngày 30/7 diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Duterte thề sẽ tiếp tục chiến dịch sau khi đối mặt với những chỉ trích quốc tế.
"Tôi quyết rằng dù mất bao lâu thì cuộc chiến chống ma túy cũng sẽ tiếp tục vì ma túy là gốc rễ của đau khổ. Những kẻ buôn ma túy sẽ phải đối mặt với nhà tù hoặc địa ngục", ông nói.
Các nhóm nhân quyền cho rằng lời bình luận đó khiến cảnh sát nghĩ dù họ có làm gì sai thì vẫn có thể thoát tội.
Trong trường hợp cảnh sát tuyên bố họ bắn chết nghi phạm để tự vệ, các công tố viên phải xác định liệu hành động đó có chính đáng hay không, Romel Bagares, luật sư tại Trung tâm Luật quốc tế có trụ sở tại Makati, nhấn mạnh.
"Trong thực tế, họ hiếm khi làm vậy. Điều đó đặt ra nghi ngờ về tính xác thực trong lời kể của cảnh sát về các cuộc đấu súng giữa họ và nghi phạm ma túy", ông nói.
Phương Vũ